Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường; đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật này qui định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.
Theo dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT), đối tượng chịu thuế gồm: Xăng, dầu, than; túi nilông và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc xác định đối tượng chịu thuế cần được cân nhắc toàn diện và dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, việc quy định đối tượng chịu thuế phải bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, với khả năng tài chính của người nộp thuế, bảo đảm thu hút đầu tư và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi bước đầu áp dụng luật. Do vậy, cần có lộ trình từng bước mở rộng diện chịu thuế.
Thứ hai, việc ban hành quy định về đối tượng chịu thuế nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trên thực tế, pháp luật về thuế BVMT của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước kinh tế phát triển, có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến cũng chỉ quy định một số sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng hoặc nhập khẩu có mức độ gây ô nhiễm lớn.
Xuất phát từ quan điểm trên, UBTVQH đề nghị: Không mở rộng quá đối tượng chịu thuế BVMT vì qua khảo sát thực tế cho thấy, mức độ gây ô nhiễm của mỗi sản phẩm là rất khác nhau và trong bối cảnh hiện nay chưa nên quy định mọi sản phẩm gây ô nhiễm đều thuộc diện chịu thuế.
Mặt khác, xét về bản chất, trong các đối tượng được đề cập ở trên thì phần lớn thuộc diện phải điều chỉnh bằng phí MT chứ không thuộc diện điều chỉnh bằng thuế BVMT vì đó là hành vi xả thải trong quá trình sản xuất (ví dụ, quá trình khai thác vàng gây ô nhiễm, song khi sử dụng trang sức là vàng thì không gây ô nhiễm; quá trình khai thác cát, sản xuất xi măng cũng tương tự...). Do vậy, nếu áp dụng thuế BVMT đối với các đối tượng trên thì sẽ không phù hợp với bản chất của thuế MT.
Riêng đối với một số mặt hàng như pin, máy tính, máy in, máy phô tô-coppy, đèn huỳnh quang, điện thoại di động, đầu đĩa DVD, VCD, CD, máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, dầu nhớt,... là những sản phẩm gây ô nhiễm, hiện Chính phủ đang khẩn trương xây dựng cơ chế đặt cọc thu hồi nhằm phù hợp với tính chất sản phẩm. Vì vậy, đề nghị không bổ sung vào diện chịu thuế BVMT.
Đối với mặt hàng thuốc lá, hiện nay, Dự thảo luật phòng chống tác hại của thuốc lá đang trong quá trình soạn thảo, theo đó, dự kiến ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi gây ô nhiễm do sử dụng thuốc lá. Hơn nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với thuốc lá luôn ở mức khá cao (thuế suất hiện hành là 65%) và trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào thu thuế BVMT đối với thuốc lá. Vì vậy, không đưa thuốc lá vào diện chịu thuế BVMT.
Tiếp thu ý kiến một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sau khi rà soát, UBTVQH bổ sung thuốc diệt cỏ vào đối tượng chịu thuế do đây là hóa chất đang được sử dụng rộng rãi, khi sử dụng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước và sức khỏe con người
Để tạo sự linh hoạt trong quá trình thi hành Luật, tiếp thu ý kiến của một số ĐBQH, UBTVQH đề nghị bổ sung khoản 9 vào Điều 3, quy định: “Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định”. Bằng quy định này, căn cứ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, UBTVQH sẽ kịp thời bổ sung các đối tượng gây ô nhiễm khác vào diện chịu thuế để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn trong thực thi chính sách.
Về ưu đãi trong áp dụng thuế BVMT, có ý kiến đề nghị không áp dụng thuế BVMT đối với xăng, dầu và một số mặt hàng khác dùng cho quốc phòng, an ninh.
UBTVQH cho rằng, mục tiêu chính của thuế BVMT là nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Cho dù ở lĩnh vực nào thì việc hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm cũng là cần thiết. Do vậy, để bảo đảm tính công bằng trong áp dụng chính sách, bảo đảm tính trung lập của thuế, đề nghị không phân biệt trong áp dụng thuế BVMT giữa các lĩnh vực.
Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế (Điều 4): Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Dự thảo luật, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng chịu thuế nếu không sử dụng trong nước mà xuất khẩu thì không thuộc diện chịu thuế. Có ý kiến cho rằng, quy định này chưa hợp lý vì Luật thuế BVMT không chỉ cần xác định trách nhiệm bảo vệ môi trường ở Việt Nam mà phải bảo vệ môi trường chung.
UBTVQH cho rằng, không nên thu thuế BVMT đối với hàng hóa xuất khẩu vì theo nguyên tắc áp dụng, thuế BVMT chỉ áp dụng cho việc sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm; hàng hóa xuất khẩu không sử dụng ở Việt Nam thì không thể áp thuế BVMT của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa gây ô nhiễm của Việt Nam khi nhập khẩu vào nước khác đương nhiên sẽ phải chịu thuế BVMT của nước đó.
Về phương pháp tính thuế (Điều 7): UBTVQH đề nghị áp dụng mức thuế tuyệt đối, với lý do sau:Thứ nhất, mục tiêu ban hành luật thuế BVMT là nhằm hướng tới điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đặt quá cao mục tiêu thu ngân sách. Mặt khác, xét về tính chất, thuế BVMT khác với nhiều sắc thuế khác ở điểm: thuế BVMT đánh vào mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm, không đánh trên giá trị sản phẩm. Vì vậy, mức thuế phải nộp không phụ thuộc vào việc tăng hay giảm giá bán các loại hàng hóa. Thứ hai, mức thuế được xác định theo khung, do đó, trong trường hợp cần thiết vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế. Thứ ba, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối tạo thuận tiện, đơn giản, minh bạch trong tổ chức thực hiện. Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế trong thu thuế BVMT (Pháp, Anh, Mỹ...). Vì vậy, đề nghị giữ quy định về áp dụng mức thuế tuyệt đối để tính thuế.
Về mức thuế đối với một số đối tượng cụ thể, đối với xăng, dầu, có ý kiến cho rằng, hiện nay xăng, dầu đã phải chịu nhiều loại thuế, phí, do đó cần quy định mức thuế phù hợp đối với xăng, dầu, tránh làm tăng giá xăng, dầu gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Có ý kiến đề nghị thu hẹp khung thuế đối với xăng, dầu.
UBTVQH cho rằng, việc quy định mức thuế đối với xăng, dầu cần được cân nhắc toàn diện, tránh tác động mạnh đến giá cả, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống người dân. Với khung thuế áp dụng cho xăng, dầu do Chính phủ trình thì chỉ khi áp dụng mức sàn (1000đ/lít) và bỏ quy định về phí xăng, dầu ở mức tương đương thì mới không làm tăng giá xăng, dầu (do mức thuế sàn đối với xăng, dầu được xác định bằng mức phí xăng, dầu hiện hành). Do vậy, tại thời điểm hiện nay, chỉ nên áp dụng mức sàn của khung thuế (1000đ/lít). Nếu tăng lên mức cao hơn mức sàn thì Chính phủ cần điều chỉnh các loại thuế khác đối với xăng, dầu để mức thu trên một lít xăng, dầu không tăng, không gây ảnh hưởng đến giá cả. Mặt khác, xăng, dầu là mặt hàng liên quan đến thị trường thế giới. Do vậy, để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, xin cho giữ mức trần và mức sàn như Dự thảo luật đã trình Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, nếu tính theo mức độ ô nhiễm để quy định khung thuế suất thì dầu gây ô nhiễm hơn xăng nhưng mức khung thuế suất lại thấp hơn là chưa hợp lý.
UBTVQH nhận thấy, dầu là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, chế biến, giao thông, đánh bắt thuỷ sản... Nếu áp dụng mức khung thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào của sản xuất, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Do vậy, xin cho giữ mức khung như Dự thảo luật.
Đối với than, UBTVQH đề nghị thu hẹp biên độ khung mức thuế suất đối với than theo hướng nâng mức sàn lên 10.000đ (thay vì mức 6000 đ như trong Dự thảo luật đã trình Quốc hội).
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể loại than thuộc diện chịu thuế BVMT vì trên thực tế có loại than sạch, không gây ô nhiễm.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở khảo sát kỹ hơn thực tiễn, UBTVQH đã phân loại, xác định cụ thể những loại than thuộc diện chịu thuế và quy định rõ mức khung thuế đối với từng loại tại Điều 8 trong Dự thảo luật, bao gồm: than nâu, than đá, than antraxit, than mỡ.
Đối với túi nilông thuộc diện chịu thuế, có ý kiến đề nghị tăng mức thuế lên cao hơn vì khả năng phân hủy của mặt hàng này rất kém, tác động nghiêm trọng tới môi trường. Hơn nữa, hiện nay loại túi này được đưa vào sử dụng tràn lan, giá bán rất rẻ, thậm chí người tiêu dùng được cho không. Để góp phần hạn chế sử dụng mặt hàng này, tại Điều 8 của Dự thảo luật, UBTVQH đã điều chỉnh mức sàn từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng và mức trần từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/kg (thay vì mức 20.000 đồng đến 30.000 đồng trong Dự thảo luật đã trình Quốc hội).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.