Xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, UBTV Quốc hội cho biết Chính phủ đề nghị: Trình Quốc hội thông qua sớm trước một kỳ họp đối với 02 dự án luật. Cụ thể: Luật Đo đạc và bản đồ - cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình 04 dự án luật (Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động , Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện - từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4);
Cũng theo đề nghị của Chính phủ, cần Bổ sung vào Chương trình 02 dự thảo nghị quyết (Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết của Quốc hội về Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3) và 04 dự án luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường - cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4).
Trả lời đề nghị này của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm:
Về các dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động: đây là các dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để điều chỉnh thời gian trình theo đề nghị của Chính phủ và Tòa án Nhân dân Tối cao để cơ quan trình dự án có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, bảo đảm chất lượng của dự án. Trong đó, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được lùi từ Chương trình cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4; dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động được đưa ra khỏi Chương trình năm 2017 và sẽ xem xét, bổ sung vào Chương trình sau khi chuẩn bị xong.
Riêng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, theo báo cáo của Chính phủ, số điều luật và nội dung cần sửa đổi lớn, phức tạp nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ sẽ tiếp tục chuẩn bị theo hướng sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động.
Về dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng tiến độ như Chương trình đã được Quốc hội quyết định (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4) do số lượng dự án trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 quá nhiều; việc bổ sung thêm dự án vào Chương trình trong thời gian quá ngắn sẽ khó bảo đảm các yêu cầu về chất lượng thẩm tra, xem xét dự án .
Về dự án Luật Lý lịch Tư pháp (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ thu hẹp phạm vi sửa đổi của dự án Luật này, nhưng tùy theo nội dung và chất lượng chuẩn bị của dự án, Quốc hội sẽ quyết định thông qua dự án ngay tại kỳ họp thứ 4 hay xem xét dự án theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp (Chính phủ đề nghị thông qua theo quy trình tại một kỳ họp).
Đối với các dự án được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình, UBTV Quốc hội thấy rằng: Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng: đây là các dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 3 theo đề nghị của Chính phủ quy định về việc hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại tổ chức tín dụng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, những quy định để giải quyết những vấn đề tình thế, trong một giai đoạn nhất định sẽ được điều chỉnh trong Nghị quyết của Quốc hội về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3; những quy định nhằm hoàn thiện khung pháp lý tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có tính lâu dài sẽ được điều chỉnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Về Nghị quyết của Quốc hội về Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, tuy nhiên, nội dung của dự thảo Nghị quyết còn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan có liên quan, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình kỳ họp thứ 3 mà đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sẽ xem xét bổ sung sau.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 4 nhưng căn cứ vào phạm vi sửa đổi, bổ sung và chất lượng chuẩn bị của dự án, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể việc thông qua dự án ngay tại kỳ họp thứ 4 hay tại kỳ họp tiếp theo.
Về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): đây là dự án đã được Quốc hội đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng chưa được trình Quốc hội do Chính phủ đề nghị chờ có kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng dự án. Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, dự án Luật này đã được chỉnh lý, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước; tán thành với đề nghị của Chính phủ bố trí dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, do đây là nội dung rất mới, để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn nữa nội dung các chính sách cơ bản cần thể hiện trong Luật; xác định cơ chế, chính sách đặc thù cho từng đơn vị để đáp ứng yêu cầu làm nổi bật thế mạnh của từng địa phương, bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khu vực và quốc tế; có đánh giá cụ thể về tác động của việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là dự kiến nguồn lực và những chi phí cho việc thành lập và tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Như vậy, theo UBTV Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh như trên sẽ là:
- Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 03 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật.
- Tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 06 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 01 kỳ họp).