Khi phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Tại hội trường, thời tiết nóng, báo chí cũng nói nhiều QH “nóng” vấn đề này, vấn đề khác: Từ biển Đông, hải đảo đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… nhưng tôi thấy rằng QH chúng ta không “nóng”, QH rất bình tĩnh, rất sáng suốt với tinh thần cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, đồng thời phát huy được trí tuệ của mình trong việc giải quyết các vấn đề”, nhưng rõ ràng vấn đề biển Đông đã luôn “sôi sục”, làm “tăng nhiệt” các phiên thảo luận, các nội dung bàn thảo của QH, nhất là khi đề cập đến các vấn đề phát triển kinh tế, biển đảo, ngư dân, an ninh quốc phòng, chủ quyền trên biển…
Ngay trong những ngày đầu của kỳ họp, QH đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình và giải pháp đối với tình hình biển Đông, cùng thảo luận và ra thông báo. Đây là “một hình thức tuyên bố mạnh nhất, thể hiện thái độ quyết liệt và rõ ràng của QH Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” như đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng.
Và mới đây, Ủy ban Đối ngoại của QH đã có thông báo về vấn đề này gửi đến nghị viện tất cả các nước trên thế giới. Các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài cũng tiếp cận các nghị viện, trao công hàm, chuyển thư và nghị viện các nước cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Trước đó, khi phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013, QH cũng đã duyệt chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư, vừa phát triển kinh tế biển, vừa giữ vững chủ quyền dân tộc trên biển Đông.
Những động thái này của QH đã được đánh giá là “phản ứng thích hợp về vấn đề Biển Đông”, đáp ứng nguyện vọng của cử tri về một “phản ứng rất kịp thời, mạnh mẽ” của cơ quan quyền lực cao nhất. ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH - nhận thấy, cuộc đấu tranh giữ chủ quyền trên biển Đông “đòi hỏi kiên trì, không phải ngày một ngày hai. Đảng, Chính phủ đã thể hiện quan điểm rất rõ về vấn đề biển Đông. Còn các vấn đề cụ thể liên quan như hỗ trợ cho ngư dân, Cảnh sát Biển, lực lượng Kiểm ngư thì Quốc hội đã quyết rồi. QH cũng đã nêu rõ điều quan trọng nhất về kinh tế là chúng ta phải chủ động, không để phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác nào”.
Nhưng đến cuối kỳ họp, “lo lắng khi thấy QH không có động tĩnh về việc ra tuyên bố hoặc nghị quyết chính thức về vấn đề biển Đông”, sáng 19/6, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã đề nghị QH phải có tuyên bố hoặc nghị quyết chính thức về vấn đề biển Đông, “nếu không Nhân dân sẽ rất lo lắng và thất vọng”.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, văn bản của QH cần nêu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc khi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, khẳng định tình hữu nghị của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Việt Nam làm mọi điều để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và khẳng định việc chỉ đạo các cơ quan nhà nước chuẩn bị, tiến hành việc khởi kiện Trung Quốc về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.
Ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng là quan điểm của không ít ĐB đã đề cập trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp. Là một trong những ĐB ủng hộ, sáng qua (23/6), khi đưa ra đánh giá về kỳ họp, ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - cũng cho rằng: “Nếu QH thấy chưa cần thiết ra nghị quyết thì ra tuyên bố sẽ có tính pháp lý cao hơn. Ra tuyên bố thể hiện được ý chí của ĐB, cũng là tỏ thái độ mạnh mẽ hơn của QH về vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, thể hiện được tinh thần phản đối hành vi của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981; đồng thời đề nghị nghị viện các nước, các nghị sĩ trên thế giới ủng hộ Việt Nam trên lập trường chính nghĩa”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Sau khi có những hành động phù hợp như thế thì bây giờ, chúng ta phải tiếp tục theo dõi, tiếp tục đấu tranh cả trên mặt trận ngoại giao lẫn thực địa; tiếp tục vận động quốc tế ủng hộ và chúng ta cũng không loại trừ việc chuẩn bị các cơ sở pháp lý để đấu tranh. Vì vậy, tôi thấy rằng Quốc hội chưa cần thiết phải ra một nghị quyết hay tuyên bố về vấn đề biển Đông, cũng như không cần thiết điều chỉnh tăng thêm thời gian để Quốc hội bàn về vấn đề biển Đông”.
Tuy nhiên, ĐB Lê Như Tiến cũng lưu ý: “để có tuyên bố hay không thì phụ thuộc vào ý chí của toàn thể Quốc hội. Với đề nghị của ĐB Trương Trọng Nghĩa, tôi cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có giải trình trước Quốc hội”. Và một ngày trước khi Kỳ họp thứ 7 kết thúc, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết ông vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào của Ủy ban Thường vụ QH về đề nghị của ông, vì “có thể tôi là “loại” ĐB không được trả lời kiến nghị” – ĐB Trương Trọng Nghĩa nói đầy thất vọng.
Dù không thể hiện rõ quan điểm về việc QH có cần ban hành nghị quyết về biển Đông hay không vào thời điểm này, ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng: “kể cả chưa có nghị quyết của QH thì chúng ta vẫn đang tiến hành các biện pháp đấu tranh thông qua con đường ngoại giao đối với vấn đề Biển Đông vì biện pháp đấu tranh pháp lý là khởi kiện, là biện pháp cuối cùng của biện pháp đấu tranh hòa bình, vì khi đã kiện rồi thì không gian cho việc đàm phán, đấu tranh bằng con đường ngoại giao sẽ hẹp lại rất nhiều”.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp Thứ 7 được Văn phòng QH tổ chức chiều nay (24/6), nhắc lại nội dung Thông cáo số 2 của QH (ngày 21/5/2014) sau khi thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông và các giải pháp của Việt Nam từ đầu kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, “Thông cáo số 2 được xem như tuyên bố QH về quan điểm, thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Chủ nhiệm Văn phòng QH cũng nhấn mạnh, “QH đánh giá cao phát biểu tâm huyết, thể hiện lòng yêu nước của ĐBQH” khi đề cập đến đề nghị của ĐBQH về việc QH ban hành Nghị quyết về tình hình Biển Đông tại kỳ họp.
Trước những thắc mắc của báo chí về nguyên nhân QH không ban một Nghị quyết về tình hình Biển Đông, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, “phải hết sức bình tĩnh, tùy mức độ để cân nhắc biện pháp giải quyết trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, đảm bảo luật pháp quốc tế”.
Trước đó, bên hành lang QH, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng chia sẻ “Một số ĐB đề xuất QH có nghị quyết riêng về tình hình biển Đông, nhưng có thể thấy ngay từ đầu kỳ họp, QH đã thảo luận, trao đổi bàn bạc rất kỹ công khai tại hội trường. Ngay sau đó QH có một thông báo tuyên bố rõ lập trường chính nghĩa của ta, nói rõ quan điểm xử lý vấn đề biển Đông. Trong kỳ họp này, Ủy ban đối ngoại của QH đã có công hàm gửi đến cho QH và nghị sĩ các nước, trong đó nêu rõ những yêu cầu và quan điểm của Việt Nam với vấn đề biển Đông và tại phiên bế mạc Chủ tịch QHi một lần nữa nói rõ lập trường của QH Việt Nam để cử tri và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế biết về thái độ của Việt Nam trước vấn đề biển Đông”./.