Sáng nay, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp, Quốc hội báo cáo về việc giải quyết một số vấn đề cử tri có nhiều kiến nghị, UBTV Quốc hội đã giám sát và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp chấn chỉnh tại các kỳ họp trước.
9 tháng, 957 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu được xử lý
Trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu của Kiểm toán nhà nước, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giá, trong đó đã quy định về việc trích lập Quỹ bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ cho việc bình ổn giá và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá.
|
Giá xăng dầu là một trong những điểm rất bức xúc của cử tri cả nước |
Bộ Tài chính đang hoàn thiện để sớm trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giá.
Về việc chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, tiếp thu kiến nghị của cử tri và yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã quy định và kiên trì thực hiện nguyên tắc “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước”; liên Bộ Tài chính, Công thương đã liên tục theo dõi, bám sát giá thị trường thế giới và chỉ đạo sát sao việc tăng, giảm giá xăng dầu, nhằm kiềm chế tăng giá bất thường.
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2012, Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường đã ban hành 8 văn bản, 5 Công điện chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá trong thời gian gần đây.
Trong phiên làm việc được truyền hình trực tiếp hôm nay, các Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Tiếp đó là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan cũng phát biểu giải trình thêm. |
Kết quả, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 5.826 vụ; xử lý 957 vụ vi phạm, nhắc nhở 266 vụ và đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý tiếp 44 vụ vi phạm; tổng số tiền đã xử phạt là 6.619.520.000 đồng; đã áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với 35 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Điều đáng lưu ý là, biện pháp này trước đây được pháp luật quy định, nhưng hầu như chưa được áp dụng. Vì vậy, với việc áp dụng những biện pháp này trong thời gian đây đã góp phần tích cực vào việc chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Qua giám sát cho thấy, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây bất bình trong nhân dân.
Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do quy định trong một số văn bản pháp luật về kinh doanh xăng dầu, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu tính khả thi; lực lượng kiểm tra còn mỏng, lại thiếu kinh phí chi cho việc kiểm định dẫn đến việc xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu gặp nhiều khó khăn...
Đây cũng là những vấn đề rất cần được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có biện pháp hữu hiệu để nhằm sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Về việc giải quyết kiến nghị của cử tri về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh và việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập…
Tại Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP về miễn, giảm học phí nhằm bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực tế những vấn đề vướng mắc và đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ.
Đồng thời, Bộ đã có Công văn số 4744/BGDĐT-KHTC ngày 24/7/2012, gửi các địa phương về việc chấn chỉnh và hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh.
Về việc khắc phục tình trạng lạm thu các khoản ngoài học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, trong đó đã quy định rõ hơn về việc đóng góp và sử dụng Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh; đồng thời chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm.
Kết quả bước đầu cho thấy, ở nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra và khi phát hiện các hành vi vi phạm đã kiên quyết yêu cầu các trường hoàn trả cho cha mẹ học sinh các khoản thu không đúng quy định.
Mặc dù vậy, tình trạng lạm thu vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi mà nguyên nhân chủ yếu là do quy định về các khoản thu mang tính chất tự nguyện còn chưa cụ thể, rõ ràng, nên dễ bị lợi dụng.
Để triển khai thực hiện Đề án phổ cập mẫu giáo mầm non 5 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non, mẫu giáo nhằm góp phần hoàn thiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng này.
P.V.