Quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới

Quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nằm ở khu vực Bắc Âu, Phần Lan từ lâu đã gắn liền với danh xưng “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” trong suốt nhiều năm liền. Không chỉ có phúc lợi xã hội tốt, người dân Phần Lan còn rất biết cách tận hưởng cuộc sống của mình. Tại Phần Lan, 91% người được phỏng vấn cho biết họ hài lòng với tổng thống nước mình và 86% nói họ tin tưởng vào cảnh sát.

Phần Lan tiếp tục là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021, trong bối cảnh toàn cầu lao đao vì đại dịch COVID-19. Xếp sau Phần Lan là Đan Mạch, Thụy Sỹ, Iceland, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Luxembourg, New Zealand và Áo.

Phần Lan, một quốc gia Bắc Âu nhỏ bé với dân số khoảng 5,5 triệu người, đã chiến thắng ở hạng mục này 4 lần liên tiếp. Đại sứ quán Phần Lan ở Mỹ cho biết: "Niềm hạnh phúc của chúng tôi bắt nguồn từ cuộc sống cân bằng được hỗ trợ bởi chính phủ tốt, sự tin tưởng, bình đẳng và an lành. Đại dịch không thể khiến nền tảng này lung lay".

Những yếu tố dưới đây đã tạo nên hạnh phúc cho người Phần Lan:

Theo Uỷ ban Du lịch Phần Lan, VisitFinland, sống hoà mình với thiên nhiên, đó là bí quyết hạnh phúc của đất nước Bắc Âu này, vì đó là cách giúp đầu óc thư giãn và giúp con người ta sống chậm. Rừng chiếm 75% diện tích đất, đưa Phần Lan là quốc gia tỉ lệ che phủ của rừng cao nhất thế giới. Tất cả mọi người sinh sống tại Phần Lan hay đến thăm Phần Lan đều có quyền tận hưởng thiên nhiên ở bất cứ nơi đâu. Du khách được tự do đi vào các khu thiên nhiên như rừng, hồ mà không cần xin phép chủ sở hữu đất. Du khách cũng có thể cắm trại qua đêm ở bất cứ nơi nào muốn với điều kiện phải có tinh thần trách nhiệm, tôn trọng thiên nhiên, mọi người và quyền sở hữu. Nguyên tắc vàng được đặt ra là bảo vệ vẻ đẹp còn nguyên vẹn và sự kỳ diệu của thiên nhiên vì các thế hệ mai sau.

Phần Lan có một xã hội tương đối quân bình (ít bất bình đẳng), người dân có xu hướng không quan tâm đến chuyện "nỗ lực cho bằng người ta". Tính cách này chưa chắc tồn tại ở những nước có thu nhập cao khác. Xã hội Phần Lan ít có sự chênh lệch, điều này bắt đầu từ giáo dục.

Theo đó, với quan niệm tuổi thơ hạnh phúc là nền tảng cho một cuộc đời hạnh phúc lúc trưởng thành, Phần Lan nỗ lực tạo mọi điều kiện để trao cho mọi trẻ em có được sự khởi đầu đời bình đẳng, khoẻ mạnh và hạnh phúc. Từ năm 1938, Chính phủ Phần Lan đã thực hiện chương trình phân phát miễn phí quần áo và những vật dụng cần thiết cho tất cả bà mẹ mới sinh con. Thêm vào đó, người Phần Lan hưởng lợi một mạng lưới an toàn xã hội khá vững chắc, bao gồm hệ thống nhà trẻ giá cả phải chăng, hệ thống giáo dục tiểu học, trung học và đại học gần như miễn phí. Ngoài ra, việc dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên từ tuổi ấu thơ ở một đất nước thanh bình và khá an toàn nơi trẻ em từ 7 đến 8 tuổi có thể tự đi bộ từ trường về nhà sẽ giúp trẻ tăng cường tính độc lập của mình.

Nghề giáo cũng rất được coi trọng ở Phần Lan. Giáo viên ở mọi cấp học tại đất nước này đều được trả lương cao và phải trải qua quy trình đào tạo gắt gao. Năm 2016, Phần Lan được công nhận là nơi có tỷ lệ người dân biết chữ đứng đầu thế giới. “Người Phần Lan coi trọng việc đọc sách. Họ thường xuyên ghé các thư viện”, Hanna-Leena Halsas, hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết.

Tại các trường học ở Phần Lan nói chung và các trường THPT có nhiều học sinh du học đến từ các quốc gia khác nhau nói riêng, thì cán bộ nhân viên nhà trường, đội ngũ y tá, người hoạt động xã hội, chuyên viên tâm lý, thầy cô giáo đứng lớp và kể cả hiệu trưởng cũng thường xuyên gặp mặt học sinh trong lớp để lắng nghe những vấn đề các em đang gặp phải trong cả học tập và đời sống để nhằm ra tay giúp đỡ.

Chuyên gia và là nhà nghiên cứu về hạnh phúc người Phần Lan, Tiến sỹ Martela cho biết, người phần Lan nhìn chung không thích phô bày cuộc sống của mình trên mạng xã hội hoặc nói về sự giàu có hay thành công. Hay nói cách khác, họ biết khiêm nhường để giữ hạnh phúc cho riêng mình. Người Phần Lan nổi tiếng là biết tiết chế cảm xúc của mình. “Điều đáng học hỏi từ người Phần Lan là không quá kỳ vọng quá nhiều về những gì một người cần có để sống hạnh phúc. Hay nói cách khác, họ không quá tham vọng, đòi hỏi cuộc sống cần đem lại cho mình mà biết an phận. Chính thái độ sống này có thể giúp họ cảm thấy hài lòng và trân quý cuộc sống thực tại của mình.

Người Phần Lan cho rằng, những ngày u ám là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày và vui vẻ chấp nhận điều đó. Thái độ dám đón nhận mảng tối của cuộc sống, chấp nhận những cảm xúc tiêu cực như là một lẽ thường của cuộc sống khiến họ nhận biết giá trị của hạnh phúc.

Một trong những điều được người Phần Lan đặc biệt quan tâm là sức khỏe. Chính phủ nước này luôn chú trọng quan tâm đến sức khỏe toàn diện của người dân. Một nhân viên của trang Visit Finland cho biết: "Chúng tôi không phải lo lắng về các hóa đơn y tế khi khám bệnh. Ngoài ra, viện phí tại Phần Lan cũng không quá cao. Những điều này khiến chúng tôi an tâm hơn khi phải nằm viện". Người dân nước này thích các hoạt động ngoài trời như trekking, đi xe đạp, khám phá cảnh quan tại các điểm đến trong nước… Các thành phố lớn luôn có làn đường dành riêng cho xe đạp để người dân được thoải mái tập thể dục, đi lại.

Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Các nhà nghiên cứu cho biết không có gì ngạc nhiên khi Phần Lan lại một lần nữa giữ được vị trí hàng đầu, vì quốc gia Bắc Âu luôn được xếp hạng cao khi nói đến sự tin cậy lẫn nhau giữa các cá nhân trong cộng đồng.

Thành công của Phần Lan trong việc chống dịch COVID-19 có thể đã góp phần vào niềm tin của người dân đối với Chính phủ của họ. Nước này đã thực hiện các biện pháp nhanh chóng và rộng rãi để ngăn chặn virus lây lan và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất ở châu Âu.

Giáo sư Shun Wang thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết: “Kinh nghiệm ở Đông Á cho thấy các chính sách nghiêm ngặt của chính phủ không chỉ kiểm soát dịch COVID-19 một cách hiệu quả mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hạnh phúc của người dân”.

Ngày 20/3 hằng năm được gọi là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, với thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. Ngày Quốc tế Hạnh phúc được chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp quốc (tháng 6/2012) theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya.

Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng, nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại. Việc Liên Hợp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Bởi vậy, ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

“Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện”.

Đến nay đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát tiển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.