Iceland tiên phong thu hẹp khoảng cách thu nhập
Dựa trên sự bình quyền nam nữ trên các lĩnh vực chính trị, giáo dục, kinh tế và y tế của Báo cáo thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Iceland có thể được xem là quốc gia đáng sống nhất cho đa giới tính. Quốc gia này đã đạt được vị trí số 1 về bình đẳng giới của WEF từ năm 2009, 2010 và liên tiếp giữ vững các vị trí trong tốp đầu thế giới thập kỷ tiếp theo đó.
Đáng nói, vào năm 2018, Iceland đã thúc đẩy cuộc chiến chống bất bình đẳng thu nhập nam nữ tiến xa hơn một bước khi bắt đầu thực thi luật mới mang tên “Luật Chứng nhận trả lương bình đẳng”, sửa đổi Luật Bình đẳng giới năm 2008. Theo đó, đạo luật quy định các công ty ở nước này phải trả lương cho lao động nữ bằng với mức lương của lao động nam. Đạo luật mang tính đột phá này cũng nhằm bổ sung thêm cho việc thực thi các luật hiện hành, nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa vào giới tính, giúp phụ nữ và nam giới nhận được mức lương cũng như các điều khoản tuyển dụng bình đẳng cho cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.
Được biết, Iceland đã có luật về trả lương ngang nhau từ năm 1961 nhưng chưa có nhiều quy định cụ thể. Sau một thời gian dài nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, trong xã hội Iceland vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định về thu nhập giữa các giới. Cụ thể, theo ước tính của Bộ Phúc lợi xã hội Iceland, lao động nữ chỉ được trả tương đương 78,5% thù lao của nam giới. Do đó, Chính phủ Iceland đã cam kết mạnh mẽ hơn về việc xóa khoảng cách thu nhập nam - nữ trong thập kỷ hiện tại.
Theo CNN Money, với đạo luật trên, chủ sử dụng lao động ở Iceland phải chứng minh rằng họ trả lương bình đẳng cho lao động nữ và lao động nam trong cùng một công việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không chỉ được yêu cầu trả lương ngang nhau trong cùng một cấp độ công việc mà còn đối với các công việc có cùng giá trị. Quy trình chứng nhận dựa trên Tiêu chuẩn trả lương bình đẳng, đánh giá các chính sách trả lương của doanh nghiệp, phân loại công việc dựa trên giá trị bình đẳng và phân tích tiền lương. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu chính thức hóa các chính sách lẫn quy trình liên quan đến quyết định trả lương.
Luật cũng bảo đảm tuân thủ thông qua quy trình giám sát. Các tổ chức đối tác xã hội chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ của các doanh nghiệp. Nếu không chứng minh được việc trả lương bình đẳng, chủ sử dụng lao động sẽ bị phạt, tương đương với khoảng 50.000 krona ($364) một ngày. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, áp dụng đối với tất cả mọi công ty và tổ chức có từ 25 nhân viên làm việc toàn thời gian.
Đáng chú ý, quy định này không có nghĩa là các công ty ở Iceland bắt buộc phải trả mức lương chính xác bằng nhau cho lao động nam và nữ làm cùng một công việc. Thay vào đó, chủ sử dụng lao động có thể trả thù lao cho người lao động dựa trên kinh nghiệm, hiệu quả công việc và các khía cạnh khác, nhưng họ phải chứng minh được sự chênh lệch mức lương không phải là do giới tính của người lao động. Các doanh nghiệp cũng được cung cấp đủ thời gian để áp dụng các hệ thống quản lý trả lương bình đẳng đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn, thời gian gia hạn tuỳ theo quy mô của nơi làm việc.
Flickr/© European Union 2015 - European Parliament. |
Phân biệt đối xử giới bị coi là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng các nghiên cứu cho thấy những quy định pháp luật về lĩnh vực này khó phát huy tác dụng. Một nghiên cứu của WEF cho thấy lao động nữ được trả thấp hơn lao động nam ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Ngay cả tại Iceland - quốc gia luôn được xếp hạng cao trong các so sánh về bình đẳng giới, khoảng cách về lương theo giới vẫn tồn tại ở một số khu vực nhất định.
Trong bối cảnh như vậy, Iceland là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa cuộc chiến chống bất bình đẳng thu nhập nam - nữ tiến thêm một bước xa hơn. Theo quy định luật mới mà Iceland vừa ban hành, các công ty phải chủ động xin Chính phủ cấp chứng nhận trả lương bình đẳng. Đạo luật về tiêu chuẩn trả lương ngang nhau cho thấy quyết tâm của Iceland trong việc đạt được bình đẳng giới thực sự trong lực lượng lao động. Thông qua đó, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý bắt buộc và phải thiết lập quy trình minh bạch, chuẩn hóa cho cả lao động nam và nữ. Khi các quốc gia khác nhận thấy tác động tích cực của luật này, nhiều người kỳ vọng rằng biện pháp tương tự sẽ được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Thấy gì ở những quốc gia đáng sống cho phụ nữ?
Bên cạnh Iceland, những quốc gia khác trong khu vực Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch... cũng được đánh giá cao trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Những nước này cũng được biết đến là nơi đáng sống dành cho phụ nữ dựa trên các tiêu chí như bình đẳng giới, an toàn, tiến bộ, vị thế của phụ nữ trong điều hành chính phủ và doanh nghiệp, tuổi thọ, mức độ chăm sóc y tế…
Na Uy coi bình đẳng giới là một trong những vấn đề trọng tâm phát triển của đất nước. Các đảng chính trị ở Na Uy thậm chí đã đưa ra vấn đề giới vào những năm 1970. Theo đó, Na Uy là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ được tham gia bầu cử vào năm 1913 và có quyền ứng cử Quốc hội từ năm 1930. Quốc gia này đã ban hành Luật Bình đẳng giới từ năm 1979 với các điều khoản bảo đảm cho cả phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong phát triển.
Ví dụ, trong giáo dục, Luật quy định phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mà không phân biệt tuổi tác. Bên cạnh đó, các chính sách gia đình tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và nam giới cùng tham gia lực lượng lao động và chia sẻ công việc gia đình. Sau khi sinh con, cả cha và mẹ đều được nghỉ với mức lương 100% trong vòng 42 tuần hoặc được hưởng 80% lương trong 52 tuần. Ưu tiên này được đưa ra nhằm tạo điều kiện để người cha có thể chăm con tốt hơn.
Thụy Điển cũng bắt đầu xây dựng xã hội bình đẳng giới từ năm 1970. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội của Thụy Điển là 50%, trong đó phụ nữ nắm giữ nhiều vai trò quan trọng. Thụy Điển cũng đã giáo dục về bình đẳng giới từ rất sớm và là một trong số ít các nước có tỷ lệ phụ nữ học lên các bậc học cao nhiều hơn nam giới với 2/3 các bằng cấp đại học trở lên đều thuộc về nữ giới. Để đạt được kết quả này, vai trò của chính sách rất quan trọng.
Trong nhiều các chính sách ban hành bởi Chính phủ Thụy Điển đều lồng ghép bình đẳng giới từ những giai đoạn soạn thảo đầu tiên và tham vấn các bên, nhằm nâng cao quyền của phụ nữ. Đơn cử, phụ nữ được miễn phí hoặc nhận phụ cấp cho chăm sóc trước khi sinh, cả bố và mẹ có số ngày nghỉ chăm số con lên đến 480 ngày. Đặc biệt, chính sách “Ngày của cha mẹ” hỗ trợ thai sản, khuyến khích người chồng ở nhà chăm sóc con mà không lo bị mất việc. Các trung tâm chăm sóc trẻ em giúp phụ nữ yên tâm làm việc…
Giáo dục về bình đẳng giới nên bắt đầu từ sớm. (Nguồn: OECD) |
Đối với Phần Lan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, câu chuyện bình đẳng giới thậm chí còn được đề cập sớm hơn. Năm 1906, Phần Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mà phụ nữ có quyền bầu cử và tham gia ứng cử vào Quốc hội. Hiện, lực lượng lao động nữ giới và nam giới ở quốc gia này khá cân bằng. Cụ thể, khoảng 86% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 64 đều được học hết bậc trung học, cao hơn so tỉ lệ này của đàn ông là 81%.
Đất nước này cũng nổi tiếng với vô số đãi ngộ cho phụ nữ như thời gian nghỉ thai sản dài cho cả mẹ và bố; các bà mẹ khi sinh con đều được Chính phủ tặng một “chiếc hộp em bé”, trong đó có đầy đủ đồ dùng cần thiết cho em bé như quần áo, đồ vệ sinh... Chính phủ nước này cho phép mỗi năm các ông bố được nghỉ tới 9 tuần để chăm sóc con, trong khi họ vẫn được hưởng 70% lương.
Ngoài ra, những đứa trẻ ngay khi sinh ra đã được hưởng trợ cấp của Chính phủ, khoản tiền này được cung cấp cho đến khi đứa trẻ 17 tuổi. Đây cũng là một trong những lý do Phần Lan luôn được bầu chọn là đất nước lý tưởng nhất cho các bà mẹ. Theo khảo sát, có tới 81% phụ nữ Phần Lan hài lòng với cuộc sống của mình và tỉ lệ này cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới là 76%.