Đó là quan điểm của đa số đại biểu tại Hội thảo “Các tổ chức xã hội dân sự góp ý kiến cho Chiến lược (CL) Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Đề cập đến sự cần thiết của bản CL này, bà Vũ Thị Minh Hồng (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đưa ra ý kiến: “Chúng ta đã có nhiều chương trình phòng chống HIV/AIDS và cũng đã có CL Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, tại sao không tiếp tục thực hiện các chương trình, CL đó mà xây dựng thêm bản CL nữa để làm gì?”. Bà Hồng cho rằng, định nghĩa nguồn nhân lực tham gia phòng chống HIV/AIDS là cán bộ y tế, bác sỹ trong bản CL mới là không chính xác. Thực ra họ chỉ là những nhà chuyên môn, có trách nhiệm tham gia phòng chống HIV/AIDS. Lực lượng tham gia phòng chống HIV/AIDS nói chung phải là tất cả người dân và cộng đồng xã hội; trong đó các đồng đẳng viên, những người nhiễm HIV… mới là thành phần nòng cốt tham gia phòng chống HIV/AIDS; hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm HIV.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Khoát – đại diện của các tổ chức xã hội dân sự (CVSPA) đặt câu hỏi: “Từ trước đến nay, rất nhiều đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, các nhóm tự lực người nhiễm… tham gia tích cực trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS, nhưng trong bản dự thảo CL không hề có bóng dáng của họ. Trong khi, thực tế họ phải được tôn vinh, được hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách (có tư cách pháp nhân, có vốn hoạt động…)”.
Nói về việc hỗ trợ người nhiễm HIV, ông Phạm Ngọc Chính (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phản ánh, hiện phần lớn người nhiễm HIV/AIDS rất khó khăn, chúng ta phải nghĩ cách để hỗ trợ họ. Tuy nhiên, hỗ trợ bằng cách nào cũng phải quy định rất cụ thể (chẳng hạn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS phải quy định mức rõ hưởng là bao nhiêu, bao nhiêu % người nhiễm được hỗ trợ…). Đối với việc xây dựng các Trung tâm bảo trợ xã hội cho người nhiễm HIV giai đoạn cuối được nêu trong Dự thảo CL, theo ông Chính cũng phải quy định cụ thể: Sẽ xây dựng bao nhiêu trung tâm? Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu? Các tổ chức xã hội đóng góp bao nhiêu?
Về các giải pháp phòng chống HIV/AIDS, ông Chính cho rằng, ngoài 3 giải pháp: Chính sách xã hội; chuyên môn kỹ thuật và quan hệ quốc tế, cần thiết phải bổ sung giải pháp sử dụng hợp lý nguồn vốn của Chính phủ. Theo nhận xét của ông Chính, thời gian qua chúng ta chưa đạt hiệu quả cao trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS là do chúng ta sử dụng kinh phí chưa hợp lý. Hơn nữa, với cơ chế xin - cho như hiện nay, kết quả hoạt động không thể cao được.
Bên cạnh đó, “việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của ta còn chậm và thiếu. Một số văn bản thì chưa giao trách nhiệm cụ thể cho bên nào cả, dẫn đến việc thực hiện cũng được mà không làm cũng chả sao…”. Ông Chính đưa ra ví dụ: Hiện chúng ta đã có Luật Phòng chống HIV/AIDS, trong đó có quy định các doanh nghiệp phải hỗ trợ và tham gia phòng chống HIV/AIDS, nhưng lại không quy định mỗi doanh nghiệp phải chi bao nhiêu % doanh thu để hỗ trợ cho hoạt động này. Vì thế, khi vi phạm, không có cơ quan nào đứng ra phạt, nếu có cũng chẳng xác định được vi phạm của họ mà xử phạt…
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Giáo, Trung tâm giáo phận Huế, trong bản CL mới chỉ khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống HIV/AIDS, trong khi nhiều năm qua, “không cần kêu gọi, không cần tuyên truyền, rất nhiều tổ chức tôn giáo đã tham gia tích cực vào hoạt động này”. Theo ông Giáo, cùng với việc “khuyến khích”, nên bổ sung thêm cụm từ “hoan nghênh” để động viên và cổ vũ sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức tôn giáo trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Tính đến ngày 30/9/2011, cả nước hiện có 193.350 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 47.030 bệnh nhân AIDS và đã có 51.306 người tử vong do HIV/AIDS. Trong 9 tháng đầu năm 2011, số trường hợp nhiễm HIV được báo cáo là 9.121 người, trong đó có 3.723 bệnh nhân AIDS và 1.394 trường hợp tử vong. |
Đ.Trang