Quê nhà - chuyện xưa, nay

Quê hương nằm trong mỗi bước chân.
Quê hương nằm trong mỗi bước chân.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với người Việt, quê hương cũng là gia đình. Bởi có nhiều thứ kết nối, từ sự trưởng thành, rồi bạn bè, học tập cho tới quan hệ họ hàng, phong tục tập quán… Nên cái làng xã đó cũng có thể coi là gia đình, “đi xa càng muốn về, khổ đau cũng muốn về”.

Quê hương trong ký ức vui buồn của người xưa

Trong cuốn “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ đã có những hồi ức đẹp về ngôi nhà của mình trong lời tự thuật: “... Mặt trời đã xế, trẻ mục đồng đuổi trâu về qua ngoài rào, vừa đi vừa hát, có đứa thì cuốn lá làm kèn mà thổi ti toe, ta đang ngủ ngày, sực tỉnh dậy, nghe tiếng hát xa, chẳng khác gì tiếng ca thuyền chài ánh ỏi ở đầu bến Nhược Gia. Tối đến, lúc mặt trăng mới mọc, đi tản bộ quanh bờ ao, ngâm nga mấy câu Đường thi cũng thú, hoặc ngồi gốc dừa, cành hoa phất phơ trước mặt, ngồi bẻ bông tước lá thử chơi.

Khi lẩn thẩn trở về nhà khách thì bóng nguyệt hương hoa vẫn còn phảng phất trên án thư, tràng kỉ. Ta thức đến gà gáy mới đi ngủ. Cuối mùa đông năm ấy, anh thứ hai ta từ phương xa trở về, lại cùng ta sớm tối được non một năm nữa. Nay anh hai ta đã mất rồi, cảnh gia đình thì tiêu điều, ta thì lưu lạc giang hồ, đoái nhìn non sông mờ mịt, khôn cầm giọt lệ”.

Đó là quê nhà đầy kỷ niệm của một người viết văn tài hoa. Quê nhà đau đáu như thế nên người xưa khó ai bỏ làng ra đi. Họ quây quần bên luỹ tre làng với cây đa, mái đình, con đò… với cái lệ làng lớn hơn cả “phép vua”, dù cái “lệ làng” đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp.

Trong cuốn “Đất lề quê thói”, nhà nghiên cứu Nhất Thanh phân tích: “... có người muốn từ bỏ làng xóm, nhưng khốn nỗi còn nhiều liên hệ ràng buộc: cái nhà, mảnh vườn, sào ao, nhà thờ, phần mộ ông cha tổ tiên, họ nội, họ ngoại… với tâm hồn người Việt Nam đời đời gắn liền với quê hương, không dễ gì dứt tình ngay được. Bỏ làng lại còn mang tiếng xấu, một là tại khốn cùng phải tìm đường tha phương cầu thực, hai là tại làng không dung nạp được mình”.

Trong sự quấn quýt nhỏ bé, tù đọng đó, những tục, lệ làng như khao vọng, phân chia ngôi thứ, tranh giành quyền lực, dòng họ “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, chèn ép người di cư… trong làng khiến cho nhiều người khốn khổ. “Những người gốc rễ trong làng không biết tự bao giờ đã từng đời đời kiếp kiếp ăn chịu đóng góp với làng xóm, chẳng chịu để cho người nơi khác đến lập nghiệp ở quê cha đất tổ mình, tự nhiên được hưởng đủ mọi quyền lợi như một người làng…” (Đất lề quê thói - Nhất Thanh).

Vấn nạn cát cứ đó khiến cho triều Lê đã ban hành chiếu lệnh ngăn cản những tệ nạn chèn ép dân ngụ cư, đơn cử là lệnh năm Phúc Thái thứ 5 (1647) đời Chân Tông cấm không được bắt người ngụ cư phải chịu nhiều sách dịch. Nhà nghiên cứu Nhất Thanh tổng quát lại: “Nói tổng quát thì cái tục lệ hương đảng đã là một trở ngại lớn lao trên bước đường tiến hoá của dân tộc. Năm đầu niên hiệu Cảnh Trị (1663) Lê Huyền Tông đã ra 47 điều giáo hoá, trong đó có 8 điều răn bảo về hương đảng, cấm lệ tục, nhưng mãi đến năm Ất Dậu (1945) mới trừ bỏ được hẳn”.

Làng xưa thực sự là một khu “tự trị” riêng mà lệnh từ Trung ương xuống vẫn còn hạn chế “Quan có cần nhưng dân chưa vội/Quan có vội quan lội quan đi”. Cái cộng đồng gắn kết đó chào đón người xa lạ đến bằng cổng làng, bằng luỹ tre xanh, bằng con đò qua sông… không ai vào làng mà qua được mắt dân làng và cách truyền tin nhanh chóng trong xóm qua từng cá nhân, hộ dân.

Trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ - nghiên cứu địa lý nhân văn” của nhà khoa học người Pháp Pierre Gourou (1900 - 1999) từng dạy học ở Hà Nội nhận định: “Làng là một cộng đồng tự trị, tự giải quyết những mâu thuẫn giữa các thành viên, tự thu lấy thuế cho Nhà nước. Nhà nước không có việc với công dân mà với xã, một khi xã đã hoàn thành các nghĩa vụ với chính quyền thì nó có thể tự cai trị một cách tự do”.

Và ông đi đến kết luận: “Dưới biểu hiện tẻ nhạt và nghèo nàn, cuộc sống trong làng rất sôi động và phong phú; nó đem đến cho người dân quê lợi ích và sự đam mê. Những hiện tượng muôn vẻ của đời sống chính trị, tôn giáo và xã hội của xã đem lại cho người nông dân cơ hội để thoả mãn ước mơ chinh phục, những cỗ bàn phong phú, hận thù của thất bại, chua chát của mối nhục phải chịu, thú vị của những mưu mô thủ đoạn, những hội hè náo nhiệt mà cả làng đồng lòng tham gia, tất cả những cái tránh cho người nông dân phải suy nghĩ về điều kiện sống tồi tàn, để tính toán về những mối lợi cỏn con, nghĩ suy về những món nợ đang đeo đẳng mà phần lớn thu nhập nhỏ nhoi phải dồn vào công nợ”.

Làng xưa có tình, có hủ bại, có niềm tin và nó là nền tảng cho sự phát triển làng xã bây giờ. Người làng bây giờ bỏ làng quê ra đi tìm đời sống mới và trên hành trình của họ vẫn có làng quê, vẫn có cố hương.

Chốn quê nhà luôn trong tim mỗi người

Chốn quê nhà luôn trong tim mỗi người

Quê hương nằm trong mỗi bước chân

Phạm Đình Hổ là người phiêu dạt, một “nhà nho tài tử”, nhiều khi nhớ cha mẹ, cố hương mà thở than: “Nay đến bước đường cùng lận đận, biết còn đội gạo vì ai! Chỉ than thở cùng trời xanh, chứ biết gửi lòng mình vào đâu!” (Vũ trung tuỳ bút).

Người xưa có điều kiện, có máu phiêu du như Phạm Đình Hổ ít lắm, nhưng ngày nay, thanh niên trưởng thành là đi ra khỏi làng để tìm kiếm cái khôn của người đời “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tìm kiếm cơ hội, vận may đổi đời. Nên làng quê bây giờ vắng vẻ lắm, chỉ người già thì thầm với nhau.

Vậy trên hành trình đó, chúng ta ít có cơ hội về nhà. Tâm tư của chúng ta để vào đâu để không thiếu quê hương, nguồn cội, cha mẹ. Phải bắt đầu xây dựng một tinh thần mới mà trong bước chân mình, để hình ảnh ngôi nhà cũ luôn sống động, đồng hành cùng mình.

Chúng ta phải xây dựng một “ngôi nhà đích thực” trong tâm khảm mình. Đức Phật sống trong cung điện sang trọng, nhưng ông phải rời bỏ tất cả vì ông không thấy nó gần gũi, không còn là “ngôi nhà đích thực của mình”. Vậy khái niệm nhà bây giờ không còn là mặt địa lý, mà là ngôi nhà của sự giác ngộ tinh thần.

Ai cũng cần tìm một nơi nương tựa cho chính mình. Một mái nhà yên, một mái nhà mà tinh thần được vui vẻ, được chia sẻ. Nhiều người thực sự họ ở trong nhà mình, nhưng họ không vui, không an toàn, nên phải rời bỏ sự thân quen đó và xây dựng cho mình một ngôi nhà mình. Đó chính là “hải đảo tự thân”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ: “Đừng đi tìm quê hương đó trong không gian và thời gian. Chúng ta phải đi tìm quê hương ngay chính trong trái tim của chúng ta, trong chính hải đảo tự thân của chúng ta. Chúng ta sẽ gặp được tổ tiên tâm linh và huyết thống, chúng ta sẽ gặp được suối nguồn gốc rễ của chúng ta, chúng ta sẽ có bình an, có sự an ổn, có ánh sáng. Hãy nương tựa nơi hải đảo tự thân, hãy nương tựa vào pháp mà đừng nương tựa vào một ai khác. Bụt có tình thương rất lớn, Ngài biết rằng số đệ tử sẽ cảm thấy bơ vơ rất đông, cho nên Ngài dạy như vậy. Hình hài của tôi không phải là một cái gì vĩnh cửu. Cái đáng cho quý vị nương tựa chính là hải đảo tự thân của quý vị, nó luôn có đó cho quý vị, quý vị không cần phải đi máy bay hay đi xe bus mà vẫn tới được hải đảo tự thân bằng hơi thở và bằng bước chân”.

Vậy thì điều đó có mâu thuẫn như là sự từ chối trở lại cố hương? Không hề! Quê nhà vẫn hiện hữu trong từng bước chân, hơi thở, nhưng chúng ta nhớ một cách khác. Nhớ những gì ta thương quí, ta trân trọng của những ngày gắn bó. Như vậy, quê hương đã sống trong ta dù ta không còn về lại chốn xưa.

Chúng ta ở hiện tại, nhiều khi nhớ về quê cũ “khuất bóng hoàng hôn”, nhưng có nhiều lấn cấn trong tâm tư khi vùng đất đó, con người cũ đã không còn làm mình vui, dù mình đã sinh thành ở đó. Cái khó là mình không còn điều kiện để về thì làm sao cho hết day dứt?

Xin mượn lời của sư ông Làng Mai để kết thúc cho bài viết này và đó cũng là câu trả lời: “Thành ra khi mình hỏi: “Quê hương của tôi ở đâu?”, thì quê hương của anh nó nằm trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở của anh. Nếu anh có một ít niệm, một ít định và tuệ thì mỗi bước chân của anh là quê hương, mỗi hơi thở của anh là quê hương. Chúng ta phải thực tập và thực tập ngay bây giờ. Quê hương rất mầu nhiệm”.

Đọc thêm

Tìm kiếm 2 nạn nhân rơi theo xe rác xuống sông

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm 2 người trên xe chở rác mất tích khi rơi xuống sông.
(PLVN) - Chiều 21/11, lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vụ ô tô chở rác đâm lan can cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) rồi lao xuống sông khiến hai người mất tích.

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.

Kêu gọi hành động vì một hành tinh đáng sống cho trẻ em

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Silvia Danailov. (Ảnh: Thanh Hương)
(PLVN) - Ngày 20/11, Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới tại Việt Nam năm nay do UNICEF và các đối tác thực hiện đã đưa ra lời kêu gọi hành động vì khí hậu - để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường.

Phụ nữ bị bạo lực rất cần nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp

Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long
(PLVN) - Hành trình 30 năm tham gia Cương lĩnh và hành động Bắc Kinh,  Việt Nam đã có nhiều sự tiến triển vượt bậc. Góp phần không nhỏ vào những thành quả này là những mô hình như Ngôi Nhà Bình Yên. Tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực, chung sức để những người phụ nữ nạn nhân của bạo lực, buôn bán được hỗ trợ nhiều hơn nữa.  Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có cuộc trò chuyện với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này:

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11
(PLVN) - Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một học sinh trường tiểu học Kim Đồng (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã chuẩn bị một bông hoa bằng... con gà để tặng thầy chủ nhiệm của mình. Món quà đặc biệt kèm lời chúc dễ thương khiến người thầy rất hạnh phúc.

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau
(PLVN) - Lớp học tình thương trên Đảo Hòn Chuối nằm cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 20 hải lý, do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau) trực tiếp giảng dạy. Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và thân thương đối với học sinh và cư dân nơi đây.