Khu tái định cư xã Húc Nghì được xây dựng vào năm 2010 với số vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng nhằm giúp người dân vùng bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét lịch sử năm 2009 ra khỏi nơi nguy hiểm, thiên tai luôn rình rập, đe dọa để ổn định cuộc sống lâu dài.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2014, chính quyền xã này bắt đầu bố trí dân cư đến sinh sống. Hiện, toàn khu tái định cư có 102 hộ với gần 600 nhân khẩu.
Đúng ra trước đó người dân ở đây từng có nước sạch để sinh hoạt, có cầu bê tông vững chãi bắc qua sông Đakrông... Thế nhưng, vào đầu tháng 11 năm ngoái, một trận lũ đã cuốn phăng một đoạn của cầu tràn dẫn vào khu tái định cư. Chiếc cầu tràn bị đứt khoảng 12m khiến khu tái định cư bị cô lập, học sinh không thể đến trường, giao thông qua tuyến này bị gián đoạn một thời gian.
Để khắc phục tình trạng trước mắt, chính quyền và người dân địa phương đã dựng tạm ván gỗ, cọc tre để cho xe đạp, xe máy có thể qua sông. Sau đó, lãnh đạo xã Húc Nghì vận động doanh nghiệp giúp người dân tạm thời sửa chữa, khắc phục sự cố cầu tràn. Đến nay, xe ô tô chở hàng hoá, vật liệu xây dựng vẫn chưa thể vào được trung tâm khu tái định cư do mố cầu yếu, có thể bị hư hỏng trở lại bất cứ lúc nào.
Cùng với nạn cầu đứt, một hệ lụy tai hại kèm theo là hệ thống đường ống dẫn nước sạch nối vào khu tái định cư cũng bị hư hỏng nặng. Vậy là nguồn nước sạch bao năm bà con trong bản khao khát mong chờ nay dừng lại đột ngột giữa chừng. Ở một nơi kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn, đời sống các hộ dân chưa ổn định, lại phải chạy vạy cơm áo qua ngày đã không hề đơn giản. Giờ lại phải đối mặt thêm vấn đề nan giải “thiếu nước sạch sinh hoạt” càng khiến bà con lao đao.
Hàng ngày, người dân nơi đây phải vượt đường sá xa xôi để đến các cửa hàng mua những bình nước lọc về ăn uống. Hoặc đưa thùng, can nhựa ra sông Đakrông và các khe, suối để lấy nước về nấu ăn, tắm giặt… trực tiếp mà không hề lọc nước lại qua bể hay xử lý trước khi sử dụng.
Vất vả, nhọc nhằn với việc phải đi lấy từng can nước về dùng, một số hộ có điều kiện quyết định bỏ tiền túi để làm đường ống dẫn nước từ khe, suối về sử dụng. Tuy nhiên, họ rất băn khoăn không biết nguồn nước này có đảm bảo hay không. Hiện nay tình trạng người dân pha chế hoặc vứt vỏ chai, bao bì thuốc trừ sâu, diệt cỏ xuống các khe suối đầu nguồn diễn ra khá phổ biến, nên dù có nước để dùng nhưng các hộ dân ở khu tái định cư vẫn rất lo lắng, bất an.
“Khổ nhất là vào mùa khô. Hầu hết nước ở sông và các khe suối gần nhà đều cạn kiệt, chúng tôi phải đi bộ gần chục cây số dưới tiết trời nắng gắt mới gánh được thùng nước về dùng. Ai cũng mong mỏi đường ống nước sớm được sửa chữa để dân bản vơi bớt nỗi cực nhọc”, ông Hồ Văn Xuân nói.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Văn Nhua, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì cho hay, tuy biết bà con không có nước dùng để sinh hoạt và phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối bị nhiễm bẩn để ăn uống nhưng vì kinh tế của xã còn khó khăn nên chẳng còn cách nào khác. Mặc dù xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay đường ống vẫn chưa được nối sửa.
Ngoài ra, ông Nhua cũng trình bày thêm, hiện tại trụ sở UBND xã Húc Nghì đã xuống cấp và hư hỏng nhiều chỗ, phòng làm việc chật hẹp lại nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Trước đây, UBND xã đã bố trí đất để xây dựng trụ sở làm việc trong khuôn viên khu tái định cư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xây dựng do thiếu kinh phí. Chính quyền và nhân dân xã Húc Nghì mong các cấp ban, ngành liên quan sớm đầu tư sửa chữa lại hệ thống cung cấp nước sạch để phục vụ đời sống của nhân dân địa phương và để mọi người có thể an cư lạc nghiệp gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Và xây dựng mới trụ sở ủy ban xã rộng rãi và thuận lợi, an toàn hơn.