Đường cứu hộ, cứu nạn... “cầu cứu”
Công trình “Cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, kè chống xói lở, phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế khu vực hai bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn (giao với Quốc lộ 1A; đi qua địa bàn phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) đến đập Trấm (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong)” được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, thi công năm 2010 có tổng mức đầu tư gần 684 tỷ đồng.
Công trình có chức năng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; Bảo vệ tài sản của nhân dân và các công trình cơ sở hạ tầng; Bảo vệ kênh chính Nam Thạch Hãn và đường dây 500KV; Ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ trái mùa và nâng cao năng lực kiểm soát lũ, mặn, đảm bảo ổn định và bền vững trong sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội...
Công trình do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư và được thi công bởi do Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất (trụ sở tại tỉnh Ninh Bình). Theo kế hoạch, đến năm 2015, công trình này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khi thi công đến năm 2013 thì dự án đã phải cắt giảm bớt về quy mô và tổng mức đầu tư theo Nghị quyết về cắt giảm đầu tư công của Chính phủ. Cũng từ năm 2013, vì thiếu vốn nên công trình rơi vào tình trạng ngưng trệ và “đắp chiếu”.
Công trình mới thực hiện được một số hạng mục như nền đường, cống thoát nước và một số phần mố, trụ cầu (nhưng chưa dứt điểm)… với tổng giá trị 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay thì các hạng mục này đều đã bị hư hỏng, xuống cấp. Việc đi lại của bà con địa phương gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đáng nói, vào năm 2017, khi dự án xây dựng cầu Thành Cổ được triển khai và những bãi cát sạn đóng ở khu vực dưới chân cầu bị chuyển lên con đường cứu hộ, cứu nạn thì mỗi ngày, con đường này phải “oằn mình” chống chọi với hàng trăm lượt xe tải chở cát sạn quá tải.
Theo người dân địa phương, ban ngày xe chở cát sạn còn thưa thớt nhưng đêm đến thì lượng xe tăng vọt nhằm đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng ở địa bàn lân cận. Nhiều người đi đường vì tránh xe chở cát mà lao xuống bờ ruộng, vệ đường,
Ông Trương Yên - Trưởng khu phố 2, phường An Đôn (thị xã Quảng Trị) cho hay, phần lớn các cơ quan hành chính và các trường học của phường đều ở cạnh con đường này nên vào những giờ cao điểm, lượng xe cộ lưu thông khá đông. Trong khi lòng đường hẹp, các xe tải lại chạy với tốc độ nhanh nên người dân rất lo lắng mỗi khi tham gia giao thông, nhất là đối với các em học sinh.
Bức xúc vì tiếng ồn, bụi bẩn kéo dài, người dân nơi đây đã nhiều lần rào đường, ngăn chặn đoàn xe tải chở cát sạn vào các bãi tập kết và lập bảng cảnh báo tốc độ dưới 20km/h. Đầu năm 2019, người dân còn yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải tưới nước trước khi vận chuyển. Tuy nhiên, với lượng tưới 2 lần/ngày thì lượng bụi cũng không giảm được nhiều.
Nỗi khổ của người dân bao giờ được giải quyết?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Tuấn – Bí thư Đảng ủy phường An Đôn và ông Lê Hữu Phong – Chủ tịch phường An Đôn cho biết, trên đoạn đường đi qua phường có 4 bãi tập kết cát sạn của Cty TNHH MTV Lý Len, Cty TNHH MTV Thiên Phú và 2 hộ cá thể. Các bãi cát sạn này được chuyển đến từ khi giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Thành Cổ. Người dân ở đây rất bức xúc trước tình trạng hoạt động của các xe chở cát sạn và đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền các cấp. Tuy nhiên cũng cần tạo điều kiện cho các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh.
Để khắc phục phần nào hư hỏng bề mặt đường, khoảng 3 tháng, phường tiến hành san gạt, sửa chữa tạm một lần với kinh phí từ 5 – 10 triệu (do các doanh nghiệp khai thác cát sạn hỗ trợ).
“Giờ địa phương chỉ mong muốn Nhà nước sớm đầu tư thi công con đường và quy mô mặt đường đủ rộng để đảm bảo cho lượng xe qua lại. Vì bề rộng mặt đường điều chỉnh lại từ 10,5m xuống còn 3,5m là quá hẹp, trong khi mật độ giao thông tăng cao sẽ không đảm bảo an toàn” – ông Phong nói.
Liên quan đến tiến độ thi công, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị) cho biết, cuối tháng 10/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định phê duyệt kết thúc dự án cũ và lập dự án mới với tên gọi “Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối từ cầu Thạch Hãn đến trung tâm phường An Đôn (thị xã Quảng Trị)” với kinh phí 80 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 30 tỷ đồng, ngân sách địa phương 80 tỷ đồng. Theo dự kiến, công trình sẽ khởi công vào tháng 4/2019 và hoàn thành vào năm 2020. Hiện tỉnh đang chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để thi công.
Theo ông Bình, trước mắt vẫn giải phóng mặt bằng với bề rộng đường như quy mô đề ra ban đầu. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp định nên tạm thời sẽ thu hẹp lòng đường để sớm thông tuyến cho dân cư và hoàn thiện mạng lưới giao thông, sau này có tiền sẽ tiếp tục mở rộng con đường.
Tuy nhiên, ông Bình cũng lo ngại vì khi công trình hoàn thành nếu chính quyền sở tại không có sự quản lý chặt chẽ và quy định hoạt động vận tải qua địa bàn thì chẳng mấy chốc đoạn đường sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.