Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 20.603 người, với 5 tiến sĩ và 844 thạc sĩ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn được chú trọng hằng năm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục.
Trong năm học 2019-2020, khối trực thuộc có 17 người tham gia học sau đại học, 4 người học đại học, 6 người học cao cấp lý luận chính trị, 52 người học trung cấp lý luận chính trị; 20 công chức Sở, 812 viên chức các cấp học tham gia các lớp bồi dưỡng của tỉnh.
Triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao hiệu quả quản trị trường học, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá, công tác tổ chức các kỳ thi theo kế hoạch năm học đảm bảo công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, đánh giá thực chất công tác dạy và học trong nhà trường. Tiếp tục triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các cấp học.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành các cá nhân không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức; năng lực làm việc; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những vấn đề gây bức xúc, nhất là việc dạy thêm học thêm, thu chi trong cơ sở giáo dục.
Công tác truyền thông, nhất là việc tuyên truyền tấm gương người tốt, việc tốt, giới thiệu và nhân rộng các mô hình đổi mới sáng tạo cùng các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Cô Lê Thị Hương Giang, giáo viên bộ môn Tin, THPT Hoành Bồ chia sẻ: "Trước đây giáo viên luôn là người chủ động. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đổi mới cách dạy theo hướng học sinh là trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, bổ trợ. Bên cạnh đó, tôi còn chú trọng ứng dụng CNTT trong dạy và học, để các em chủ động tiếp thu, lĩnh hội các kiến thức mới".
Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường Hoành Bồ có phổ điểm cao xếp thứ 18/77 trường và trung tâm trong toàn tỉnh; học sinh có điểm thi ĐH cao thứ nhì toàn tỉnh chỉ sau THPT chuyên Hạ Long.
Để có được những thành tích đáng tự hào đó, nhà trường đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Không riêng Trường THPT Hoành Bồ, những năm gần đây, đội ngũ các thầy, cô giáo ở nhiều trường học trong tỉnh đều chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học.
Thầy Trần Văn Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Yên cho biết: Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục với phương châm đánh giá đúng chất lượng giảng dạy, không chạy đua thành tích. Trường cũng chỉ đạo các thầy cô phải tích cực đổi mới nội dung và hình thức soạn bài, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, Trường THPT Tiên Yên đã có những bứt phá đi lên, dẫn đầu công tác dạy và học tại khu vực miền đông. Hiện nay, quy mô nhà trường với tổng số 16 lớp, trên 600 học sinh, 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt trên 98%, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng trên 60%.
Các cô giáo Trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong giảng dạy. |
Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn học, cấp học và tại một số địa phương. Đặc biệt đối với cấp tiểu học, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với yêu cầu.
Một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo số lượng, cơ cấu giáo viên các bộ môn để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, còn hiện tượng thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất ở những địa bàn khó khăn về kinh tế - xã hội. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều ở các vùng miền cũng ảnh hưởng đến việc triển khai đồng bộ chương trình phổ thông mới tại các địa phương...
Để khắc phục những khó khăn đó, thời gian tới, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh xác định, sẽ tiếp tục xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề, tất cả vì học sinh, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tập trung triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém từng năm học và lấy kết quả đó để bình xét thi đua hàng năm, tuyệt đối không chạy theo thành tích. Với mục tiêu cao nhất là kiến tạo một môi trường giáo dục toàn diện mà ở đó học sinh là trung tâm, thầy cô giáo là người hướng dẫn, truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức nhân cách tới mỗi học sinh.