Đại tá Đỗ Văn Lực – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng và tiềm ẩn phức tạp, diễn ra ở cả thành thị đến nông thôn. Đặc biệt là năm 2018, Công an tỉnh đã xác định tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" là một trong các đối tượng trọng điểm để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung đấu tranh.
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 7 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm, các phức tạp nảy sinh từ hoạt động "tín dụng đen", "bảo kê", đòi nợ thuê.
Tính đến 15/11/2018, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương trong tỉnh đã rà soát, thống kê và tiến hành quản lý 790 cơ sở cầm đồ, đã phân cấp giao cho Công an cấp huyện quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Lực lượng Công an đã phát hiện xử lý hành chính 90 cơ sở cầm đồ vi phạm hành chính trong lĩnh vực cho vay cầm đồ. Về công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã điều tra làm rõ, khởi tố 20 vụ, 36 bị can liên quan đến cầm đồ, cho vay "tín dụng đen".
Đại tá Đỗ Văn Lực giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh trả lời chất vấn |
Tuy nhiên, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, bản chất ban đầu của "tín dụng đen" là giao dịch dân sự, tự nguyện của công dân (chủ yếu là giao dịch ngầm), không thông qua hệ thống ngân hàng nên rất khó quản lý, phòng ngừa, phát hiện sai phạm. Đa số vụ án chỉ được phát hiện khởi tố khi vụ việc vỡ lở, có đơn thư tố giác, trình báo của người bị hại, hoặc đối tượng phạm tội tự thú do không còn khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, thủ tục cho vay thông qua "tín dụng đen" thường đơn giản, nhanh gọn, giấy tờ cho vay không có người chứng kiến, cá biệt có trường hợp thỏa thuận miệng, nên khi xảy ra vỡ nợ khó xác định được tài sản thiệt hại. Khi cho vay trong "tín dụng đen", các chủ cho vay thường sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi và không ghi lãi suất vào hợp đồng vay mượn, các đối tượng cho vay lãi thường rất tinh vi trong việc tạo lập các chứng cứ khi giao dịch vay tài sản. Do đó nếu có tranh chấp, các cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở làm rõ hành vi gian dối, cũng như việc chứng minh có tính chất chuyên bóc lộ vì chưa có hướng dẫn gây rất nhiều khó khăn cho Cơ quan điều tra trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.
Đại biểu Lê Thị Duyên - Tổ đại biểu TX Đông Triều chất vấn về tình hình tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" |
Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh, theo Giám đốc Công an tỉnh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, chính người dân cũng cần kiên quyết nói không với vay nặng lãi, đồng thời các ngành liên quan cũng cần có giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân có nhu cầu vay vốn.