Theo đó, 4 trạm kiểm soát gồm: chốt kiểm soát tại cầu Vàng, thị xã Đông Triều trên Quốc lộ 18A; chốt kiểm soát tại cầu Đá Vách, thị xã Đông Triều, trên tỉnh lộ 188; chốt kiểm soát tại xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, trên Quốc lộ 279; chốt kiểm soát tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng thị xã Quảng Yên. Thành phần các chốt kiểm tra liên ngành bao gồm công an, quản lý thị trường, cán bộ Thú y và các đơn vị địa phương liên quan, hoạt động 24/24, bắt đầu từ ngày 3/3/2019 cho đến khi có chủ trương mới của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Tại Quảng Ninh, tuy chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng với sự nguy hiểm của loại dịch này, UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách phòng, chống dịch; thành lập đoàn công tác, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên kiểm tra, giám sát, triển khai phòng, chống dịch ngay tại cơ sở...
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái thu giữ các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc |
Các địa phương khu vực biên giới giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có dịch bệnh lợn tả châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tuyên truyền người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các địa phương, người dân nắm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như dấu hiệu nhận biết bệnh để nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch; các trại chăn nuôi, giết mổ cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, nắm bắt biểu hiện đàn vật nuôi, tránh tư tưởng chủ quan.
Để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì thiệt hại cho người nông dân là rất lớn, chính vì vậy việc bám sát cơ sở, theo dõi, bảo vệ đàn lợn đóng vai trò quan trọng. Phát hiện sớm bệnh dịch, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh ngay lập tức sẽ góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.