Hàng chục ha đất đồi âm thầm bị san bằng, hàng ngàn mét khối đất đã bị vận chuyển đi nơi khác, thậm chí nhiều khu vực đã bị múc thành hố sâu, cày xới nham nhở. Đổi lại không có bất cứ biện pháp xử lý nào từ phía lực lượng chức năng, chính quyền địa phương. Bởi thực tế chứng minh, tình trạng trên đã diễn ra trong suốt khoảng thời gian dài.
Theo nguồn tin của báo Pháp luật Việt Nam, trước đó một ngày, tức là vào ngày 24/3, đoàn kiểm tra khai thác đất gò đồi do ông Nguyễn Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa dẫn đầu đã có mặt tại thực địa. Lãnh đạo huyện xác nhận, việc kiểm tra này tiến hành đột xuất sau khi có phản ánh của người dân, cũng như báo cáo của UBND xã Nghĩa Kỳ trước đó, về hiện tượng khai thác đất đồi trái phép ở thôn An Hội Nam 2.
Đột xuất đâu chưa thấy, chỉ thấy những đối tượng đất tặc đã nhanh chóng, nhận được thông tin về đoàn kiểm tra này và kịp thời dọn dẹp tất cả máy móc. Điều đáng nói, kết quả báo cáo của UBND huyện tại thời điểm kiểm tra thể hiện, hiện trường không có phương tiện khai thác.
Nhưng sự thật, chiều 25/3, có mặt tại mỏ đất thuộc thôn An Hội Nam 2, phóng viên đã tận mắt chứng kiến có hàng chục chiếc xe mang logo Khánh Văn đang tập kết chuẩn bị lấy đất. Hai chiếc xe múc ở hai vị trí khai thác đã sẵn sàng nổ máy hoạt động.
Cũng cần nói thêm, để đi vào được vị trí khai thác, chỉ 1 con đường độc đạo, không có lối đi nào khác. Gần vị trí khai thác, luôn có một vài người đi xe máy lượn lờ qua lại cảnh giới. Vừa thấy phóng viên xuất hiện, những người này tìm cách tiếp cận quan sát, rồi lấy điện thoại ra gọi điện. Ngay lập tức, đoàn xe mang logo Khánh Văn ngưng lấy đất và lũ lượt chạy xe không rời khỏi mỏ.
Dư luận đang đặt ra nghi vấn, liệu có sự bao che, tiếp tay hay báo trước nào từ các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng tại địa phương… để tình trạng bức xúc trong dân, “chảy máu” tài nguyên đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.
Trước tình trạng đất tặc hàng ngày vẫn lăm le vào múc trộm đất mang đi bán như tại mỏ đất thôn An Hội Nam 2, dư luận còn nghi hoặc, phải chăng, mỏ đất trái phép trên được tồn tại cho đến tận bây giờ là để làm lợi cho một tổ chức hay cá nhân nào có liên quan đằng sau đó? Rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, cũng như huyện Tư Nghĩa nói riêng nhanh chóng đề ra những biện pháp cấp bách để chấn chỉnh tình trạng này. Đừng để những chỉ đạo, báo cáo chỉ được nằm trên giấy mà tài nguyên đất thì vẫn hằng ngày thất thoát đi nơi xa.