Lở đất bất ngờ chỉ có đường chết
Tại khu tái định cư Tà Pót (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) khối đất đá sạt lở mới nhất cách nhà dân chỉ 2 đến 3m. Một số hộ dân nằm ngay mép sạt lở và vết nứt lớn. Nếu tiếp tục mưa lớn, hàng nghìn mét khối đất có thể đổ ập, cuốn trôi nhà dân. Dù đã chằng chống cây, đổ đất đá tạm nhưng 56 hộ dân đồng bào người Cor ở đây luôn trong tình trạng lo sợ.
Vừa chuyển đến khu tái định cư Tà Pót vào giữa năm 2016, đến nay gia đình ông Hồ Văn Sử lại phải tiếp tục di dời.
“Cuối năm 2016, vết nứt lớn bắt đầu xuất hiện trong thôn. Cứ sau mỗi trận mưa lớn thì vết nứt càng to, lượng đất đá bị sạt lở càng nhiều. Đến nay, gia đình tôi phải di chuyển từ mép núi vào sâu bên trong nhưng vẫn chưa thể yên tâm”, ông Sử lo lắng.
Ông Hồ Văn Bình cho biết: “Tình trạng sạt lở kéo dài, trong khi chúng tôi sống ở sát với nơi sạt lở nên rất sợ. Mỗi khi mưa to là núi đá sạt lở ầm ầm, nghe thôi cũng đã rùng mình. Mong muốn lớn nhất của bà con là chính quyền xây dựng khu tái định cư mới hoặc làm bờ ta luy âm đất đá vững chắc để người dân chúng tôi yên tâm, an cư thì mới lạc nghiệp, chứ như thế này thì chỉ biết sống trong thấp thỏm lo sợ”.
Trong khi người dân ở khu tái định cư Tà Pót có nhà mới vẫn lo sạt lở thì 49 hộ dân ở thôn Trà Khương (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) đang phải sống tạm trong những ngôi nhà dựng bằng lồ ô che bạt, tôn từ cuối năm 2016 đến nay.
Theo kế hoạch, đáng lẽ các hộ dân này đã thoát khỏi nỗi lo sợ sạt lở từ tháng 10 khi được chuyển về nơi ở mới. Nhưng vì khu tái định cư bị chậm tiến độ, nên mùa mưa năm nay, các hộ dân này vẫn tiếp tục thấp thỏm sống với nỗi lo sạt lở núi.
Ông Hồ Văn Lương cho biết: “Ở nơi cũ bị sạt lở nên tôi phải dựng nhà tạm sống ven đường để chờ nơi ở mới. Đã chuẩn bị cây, ngói để dựng rồi mà mãi vẫn không được giao đất. Giờ tới mùa mưa, ai cũng thấy bất an. Ban đêm, tôi cứ ngủ chập chờn vì lo sợ đất đá đè”.
“Cách đây hơn 1 tuần, trong lúc đang nghỉ trưa, tôi giật mình tỉnh giấc vì âm thanh của đất đá đổ ập xuống cách nơi ở khoảng 50m. Cũng may lúc ấy không có người đi qua lại. Bây giờ lo nhất là đám trẻ con đi bộ, lở đất đá mà đổ ập bất ngờ thì chỉ có đường chết”, ông Lương lo sợ.
Hàng trăm hộ dân ở huyện Trà Bồng ngày ngày sống chung với sạt lở |
Người dân tiếp tục chờ…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu tái định cư Tà Pót, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục tạm thời bằng các biện pháp như đóng cọc, làm rọ đá, huy động người dân trồng tre nứa để giữ đất. Nhưng do vết nứt lớn và dài nên việc khắc phục vẫn còn hạn chế, sạt lở vẫn ngày càng nghiêm trọng.
Chính quyền huyện Trà Bồng cũng đã kiến nghị được hỗ trợ làm bờ ta luy âm, giữ đất đá ở mép núi của khu tái định cư Tà Pót. Dự tính kinh phí để thực hiện công trình là khoảng 6 tỷ đồng. Trước mắt, địa phương cũng đã chủ động các phương án di dời, sơ tán khẩn cấp những hộ dân đang sống trong vùng sạt lở.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết: “Địa phương đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và tỉnh đã đồng ý giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành để bố trí kinh phí khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu tái định cư Tà Pót”.
Về tình trạng tiếp tục sống tạm bợ trong mùa mưa bão của 49 hộ dân thôn Trà Khương, ông Bắc cho biết: “Chính quyền địa phương đã cấp lều, bạt cho 49 hộ ở thôn Trà Khương để giúp người dân gia cố nhà cửa trước những trận mưa lớn. Chúng tôi rất mong chủ đầu tư khu tái định cư sớm hoàn thành để bàn giao mặt bằng cho người dân có thể yên tâm định cư ở nơi mới, thoát khỏi nỗi lo sạt lở”.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi khắc phục tình trạng sạt lở cũng như hoàn thành khu tái định cư, hàng trăm hộ dân ở Tà Pót và Trà Khương vẫn phải ngày ngày sống chung với sạt lở...
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã gây sạt lở núi, khiến nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi bị chia cắt nghiêm trọng. Riêng huyện Trà Bồng, tính đến thời điểm này có đến 16 điểm sạt lở đất đá, làm 2 người chết, 1 người bị thương.