Di chuyển từ xã Tam Anh Nam đi xã Tam Thạnh (huyện Núi Thành, Quảng Nam), điều dễ dàng nhận thấy, tuyến đường ĐH3 với dài hàng chục cây số bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đã bị bong tróc để lộ ra lởm chởm đá sắt nhọn, ổ voi, ổ gà xuất hiện dày đặc, thậm chí có nơi biến thành ao nước lớn... Nhiều vị trí bùn đất lầy lội được người dân ví von như “ruộng cày”, "voi làm ổ".
Tình trạng trên khiến cho việc đi lại của người dân, phương tiện giao thông hết sức khó khăn, gây mất an toàn.
Có nhà nằm cạnh tuyến đường này, ông Nguyễn Văn Chương (65 tuổi, ngụ xã Tam Anh Nam) cho biết, đường ĐH3 nối từ xã Tam Anh Nam đến với xã Tam Thạnh, Tam Sơn (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người và phương tiện vận tải lớn nhỏ qua lại.
Mưa xuống, đường dân sinh nối liền 3 xã đầy bùn đất |
..và trở thanh nỗi ám ảnh của người dân đi lại |
Vào mùa mưa, đường xuất hiện rất nhiều điểm lầy lội và đọng nước. Cộng thêm ổ gà, ổ voi chi chít, có chỗ còn biến thành ao nước rộng gần 2m gây mất an toàn. Nhiều phương tiện cố gắng đi lại bị sa lầy giữa bùn đất không thể tiếp tục di chuyển.
“Đường sá hư hại kéo dài gần 5 năm nay rồi, khiến ai nấy ngán ngẩm. Rất mong chính quyền địa phương sớm cải tạo, nâng cấp tuyến đường”, ông Chương bày tỏ.
Còn ông Phạm Tài (58 tuổi, ngụ thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam) cho biết thêm, tuyến đường này còn vận chuyển cây của người dân từ trên núi xuống nên lượng xe tải chạy rất nhiều. Từ 2 năm trở lại đây, đường nhựa đã bị xe tải cày nát thành đường đất, ổ voi, ổ gà xuất hiện chằng chịt. “Dân ở đây luôn phải chịu cảnh trời nắng thì bụi, trời mưa thì sình lầy. Người đi xe bị ngã vì bùn lầy thì đếm không hết. Tội nhất là học sinh, có đứa đi được nửa đường phải quay về vì ngã ngay vào ổ voi”, ông Tài nói.
Xe tải lớn chở keo khiến đường sá hư lại càng hư |
Về vấn đề này, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam xác nhận, việc người dân phản ánh tình trạng tuyến đường ĐH3 hư hỏng xuống cấp là có. Ttuyến đường đường hư hại này đang nằm trong dự án khác qua xã, đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì nằm trong vùng dự án, nên tạm thời việc nâng cấp tuyến ĐH3 chưa thể đầu tư để tránh lãng phí.
“Đường thuộc địa bàn của xã nhưng thẩm quyền của UBND huyện. Nhiều năm qua, huyện cũng đã tu bổ lại đường cho bà con đi lại, nhưng nhiều xe di chuyển trong đó có xe tải lớn chở keo khiến đường cứ sửa lại hư nên để dứt điểm hoàn toàn là rất khó. Đường ĐH3 nối 3 xã, hiện nay tuyến phía dưới từ QL1 đến đoạn đường nối 2 khu Công nghiệp đã được hoàn thành xây dựng. Tuyến thứ 2 là từ cao tốc đi Tam Thạnh đang trong giai đoạn 2, hiện đang làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công”, ông Trường thông tin.
Trao đổi thêm cấp quản lý cao hơn, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành ghi nhận phản ánh và cho biết, sau khi hoàn thành dự án đi qua địa bàn, huyện sẽ nhanh chóng đầu tư thi công làm mới con đường để đảm bảo an toàn cho bà con đi lại, tránh các trường hợp tai nạn không đáng có xảy ra.