Quảng Nam triển khai dự án “trọng điểm của trọng điểm” hơn 2.700 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quảng Nam sẽ triển khai dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam” với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Đây là dự án được lãnh đạo tỉnh này xác định, “trọng điểm của trọng điểm”, động lực để phát triển vùng đông tỉnh và yêu cầu cả hệ thống chính trị cần chung tay vào cuộc để dự án thực hiện suôn sẻ.

Dự án động lực thay đổi vùng đông Quảng Nam

Ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam”.

Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 574, ngày 14/3/2024. Mục tiêu tổng thể nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ cơ sở hạ tầng thích ứng và nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý phát triển thích ứng với rủi ro thiên tai tại các địa bàn vùng dự án. Địa điểm triển khai dự án thuộc địa bàn các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Công Huy)

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Công Huy)

Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Ban giao thông) làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án từ vốn vay ODA (của Ngân hàng thế giới - WB) hơn 1.800 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng 884 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Dự án hoàn thành sẽ nâng cao năng lực neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Cửa Đại (Hội An) và Cửa Lở (Núi Thành) trong điều kiện hai khu vực trên bị bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào. Dự án tạo tiền đề để hoàn thiện Khu Kinh tế mở Chu Lai theo quy hoạch; làm cơ sở để nghiên cứu phương án thoát lũ cho TP Tam Kỳ qua sông Trường Giang.

Thực hiện dự án này, sông Trường Giang, từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa) dài 60km được nạo vét; luồng rộng 30m, sâu 2,3m; đảm bảo khai thác hiệu quả đối với tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn.

Tổ hợp công trình thoát lũ TP Tam Kỳ sẽ xây dựng kênh tiêu và các công trình trên kênh nối từ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang dài 2,38km; bề rộng đáy kênh 50m.

Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành nạo vét sông Trường Giang. (Ảnh: Công Huy)

Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành nạo vét sông Trường Giang. (Ảnh: Công Huy)

Trên sông Trường Giang, có 6 cây cầu mới (cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh, Tam Tiến) được xây dựng theo quy hoạch và 1 cầu dân sinh hoàn trả, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Đây là dự án “trọng điểm của trọng điểm”, “động lực của động lực”. Nếu làm tốt dự án này sẽ tạo điều kiện nguồn lực vững vàng để vùng đông tỉnh Quảng Nam bứt phá phát triển trong tương lai gần. Phải khẳng định như vậy chứ không của riêng địa phương nào. Chúng ta phải thực hiện tốt, quyết tâm, phải nắm bắt cơ hội này”.

“Bí thư, chủ tịch huyện cùng xoắn tay áo cùng làm”

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết, các hạng mục của dự án đều yêu cầu thu hồi đất, chủ yếu tập trung ở hoạt động nạo vét luồng sông Trường Giang và ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân.

Qua khảo sát, kiểm kê ban đầu, dự án có 1068 hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất với 99,87ha/483,16ha (gồm 4,84ha đất ở và 95,03ha là đất nông nghiệp). Trong đó, 796 hộ bị ảnh hưởng 20% tổng diện tích đất canh tác và ảnh hưởng vĩnh viễn khoảng 159 căn nhà chính, dẫn đến phải di dời 272 hộ dân. Có 126 hộ phải xây dựng lại nhà trên diện tích đất còn lại, 146 hộ cần di dời đến các khu tái định cư. Ngoài ra, có khoảng 7.122 hộ dọc sông Trường Giang bị ảnh hưởng sinh kế, cần hỗ trợ phục hồi sinh kế, chuyển đổi nghề, khôi phục thu nhập.

Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam Trần Cảnh Hà báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: Công Huy)

Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam Trần Cảnh Hà báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: Công Huy)

“Dự án này có thành công hay không điều quan trọng nhất là ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Bởi diện tích bị ảnh hưởng tương đối lớn. Do đó, mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện công tác GPMB, đáp ứng kịp tiến độ khởi công hạng mục đầu tiên theo dự kiến vào tháng 9/2025”, ông Hà nói.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, Thăng Bình là địa phương có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất (556 hộ). Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, huyện này nhận định số hộ dân bị ảnh hưởng cao hơn nhiều, nhất là số liệu phải di dời, tái định cư (TĐC).

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, đối với hạng mục nạo vét sông Trường Giang, huyện có 7 xã với khoảng 287 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, 84 hộ bị ảnh hưởng nặng, nhiều hộ cần di dời, TĐC nơi khác. Còn dự án xây dựng các cầu có khoảng 269 hộ với 61 hộ bị ảnh hưởng nặng.

Thăng Bình là địa phương có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dự án "trọng điểm của trọng điểm" này. (Ảnh: Công Huy)

Thăng Bình là địa phương có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dự án "trọng điểm của trọng điểm" này. (Ảnh: Công Huy)

Bên cạnh đó, khó khăn nhất hiện nay là dọc sông Trường Giang đoạn qua địa bàn huyện có hơn 1.200 ao nuôi thủy sản (với tổng diện tích hơn 307 ha), đa phần các ao nuôi này là lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất hoa màu hằng năm để đắp bờ làm ao nuôi.

“Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung công tác quản lý hiện trạng, nhất quyết không để phát sinh thêm các ao nuôi thủy sản trái phép. Tuy nhiên, theo nhận định của huyện thì đây sẽ là khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án này”, ông Hùng nói.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, việc triển khai dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam” được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống chính trị toàn tỉnh.

“Tất cả phải vào cuộc quyết liệt để đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ. Bí thư, Chủ tịch huyện cũng phải xoắn tay áo lên cùng làm công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC. Bởi, GPMB được xem là yếu tố kiên quyết việc thành công của dự án. Sau cuộc họp này, lãnh đạo các huyện có dự án đi qua phải tập trung xây dựng ngay kế hoạch cụ thể cho từng phần việc, chứ không làm chung chung”, ông Hưng nói.

Giải phóng mặt bằng được xem là yếu tố kiên quyết việc thành công của dự án. (Ảnh: Công Huy)

Giải phóng mặt bằng được xem là yếu tố kiên quyết việc thành công của dự án. (Ảnh: Công Huy)

Ông Hưng cũng yêu cầu, cái nào đã có trong quy hoạch thì phải làm ngay, chưa có trong quy hoạch thì phải bổ sung ngay và cái nào thiếu kế hoạch sử dụng đất phải bổ sung liền, trong năm nay phải làm xong những việc này.

“Trong phương án cụ thể thì phải ưu tiên việc bố trí TĐC cho người dân trước. TĐC phải đi trước một bước, gắn với dân. Tôi khẳng định với các địa phương là tiền không thiếu, đừng có lo tiền, hãy lo làm cho ra khu TĐC cho dân như dự án phê duyệt đi. Chúng ta phải cố gắng trước 30/6/2025 có đất TĐC cho dân”, ông Hưng nói.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh thêm rằng, đây là dự án hết sức ý nghĩa đối với tỉnh. Những công việc làm thời gian qua chỉ là bước đầu trong khối lượng công việc rất lớn của dự án. Vì vậy, chúng ta cần quyết tâm cao hơn, hành động phải quyết liệt hơn, công việc phải cụ thể hơn để đảm bảo hoàn thành dự án này đúng tiến độ.

Các địa phương phải cố gắng quản lý tốt hiện trạng, đã làm rồi thì phải quản lý tốt hơn nữa. Đặc biệt, không được cho tổ chức, cá nhân cơi nới, phát sinh thêm tài sản vật kiến trúc trên dự án; nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào cố tình thì phải xử lý thật nghiêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Công Huy)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Công Huy)

Đồng thời, tiến hành việc kiểm đếm rồi lên phương án trình phê duyệt bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc này rất quan trọng nên phải huy động lực lượng quyết tâm làm cho bằng được. Không được đổ lỗi cho việc thiếu người, thiếu cán bộ, phải huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc.

“Việc quan trọng khi triển khai dự án là phải xây dựng các phương án TĐC tốt nhất cho người dân. Chúng ta phải đảm bảo đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải tốt hơn, tránh cái tình trạng khi di dời người dân đến nơi ở mới nhưng đời sống người dân lại gặp khó khăn hơn nơi ở cũ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm

HĐND TP Hải Phòng quyết định nhiều vấn đề cấp bách

Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Hải Phòng khoá XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026.
(PLVN) - Chiều 4/10, HĐND TP Hải Phòng khoá XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền nhằm kịp thời triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của TP trong năm 2024.

Kiểm tra các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp tại Đồng Nai

Kiểm tra các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp tại Đồng Nai
(PLVN) - Ngày 4/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm tại các các bếp ăn tập thể, doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Công an ra mắt mô hình phòng tiếp công dân kiểu mẫu tại Đồng Nai

Công an ra mắt mô hình phòng tiếp công dân kiểu mẫu tại Đồng Nai
(PLVN) - Ngày 4/10, Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và ông Hồ Văn Nam - Bí thư Thành uỷ Biên Hoà đã đến thăm và chúc mừng Công an phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa) đưa vào hoạt động mô hình phòng tiếp công dân kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai.

Vĩnh Phúc khai trương Cổng dữ liệu mở

Vĩnh Phúc khai trương Cổng dữ liệu mở
(PLVN) - Ngày 4/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp công nghệ số tổ chức hội nghị Khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc thu ngân sách 9 tháng ước đạt hơn 20.500 tỷ đồng

Vĩnh Phúc thu ngân sách 9 tháng ước đạt hơn 20.500 tỷ đồng
(PLVN) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 20.535 tỷ đồng, đạt gần 65% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 4.400 tỷ đồng, đạt 57,3%, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Lên phương án cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án KCN Thuận Thành III phân khu B

UBND thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(PLVN) - Ban thực hiện cưỡng chế thị xã Thuận Thành, UBND thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã xây dựng phương án cưỡng chế thu hồi đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Thuận Thành III - phân khu B.