Đơn cử với gói thầu quy mô nhỏ như sửa chữa cầu Hòa Đông trên tuyến ĐT 609B và cầu Quan Âm tuyến ĐT 609, được đấu thầu qua mạng, nhưng chỉ nhà thầu Cty TNHH MTV Quản lý & Xây dựng giao thông trúng thầu với giá 1,931 tỷ, tiết kiệm chưa đến 900 ngàn đồng.
Với các gói thầu quy mô lớn trên chục tỷ đồng cũng trong cảnh nhà thầu “độc diễn” nên giá trúng ở tỷ lệ tiết kiệm cũng siêu nhỏ (khoảng dưới 0,1%). Minh chứng như gói thầu sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, cầu một số đoạn từ Km 85 - Km 96 trên QL40B qua huyện Nam Trà My, được tổ chức đầu thầu qua mạng từ tháng 5 - tháng 6/2021, nhưng chỉ có Cty CP Đầu tư & Xây dựng Tân Tiến “độc diễn”, trúng thầu với giá 12,949 tỷ đồng (tiết kiệm 10 triệu đồng).
Hai gói thầu khác trên QL40B do Sở GTVT Quảng Nam làm chủ đầu tư tổ chức đấu thầu qua mạng ở thời điểm này cũng cho kết quả chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Gói thầu sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường các đoạn trên QL40 B qua huyện Bắc Trà My có giá 11,913 tỷ đồng, chỉ có nhà thầu Cty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam dự, với giá trúng thầu 11,906 tỷ đồng (tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng)…
Trong số này, Công ty CP Xây dựng Giao thông Quảng Nam thuộc dạng “đứng đầu bảng” trúng thầu các gói thầu đấu thầu qua mạng do Sở GTVT Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, ngoài gói thầu QL40B nêu trên, nhà thầu này liên tiếp một mình tham dự và một mình trúng gói thầu sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường một số đoạn và sửa chữa, cải thiện hệ thống ATGT tại QL24C với giá 5,318 tỷ đồng (tiết kiệm chưa đến 3 triệu đồng); gói sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường Km 0 - Km 2, tuyến ĐT.607 với giá trúng thầu 6,567 tỷ đồng, giảm chưa được 4 triệu đồng so với giá trúng thầu.
Nhà thầu này liên danh với Cty TNHH ĐT&XD công trình Trường Thịnh tạo thành đơn vị “độc nhất” trúng thầu gói sửa chữa đột xuất taluy dương bị sạt lở tại Km44+900 trên QL14B với giá 10,9 tỷ đồng, giảm hơn 20 triệu đồng.
Về vấn đề này, ông Võ Công Phúc, Trưởng phòng Quản lý & Kết cấu Hạ tầng (Sở GTVT Quảng Nam) cho biết, việc đấu thầu qua mạng là giải pháp hữu hiệu mang lại công khai, minh bạch, tạo sân chơi lành mạnh cho các DN.
Ông Phúc xác nhận, trong số 33 gói thầu đầu đấu qua mạng do Sở GTVT Quảng Nam tổ chức, chỉ có 2 gói thầu có 2 nhà thầu tham dự, còn lại 1 nhà thầu tham dự. Ông Phúc cũng cho rằng việc chỉ có 1 DN tham gia khiến tỷ lệ giảm giá các gói thầu rất nhỏ, không tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. “Thẳng thắn mà nói, điều này khiến bức tranh đấu thầu tại Sở GTVT Quảng Nam đang “có màu tối”, ông Phúc nói.
Về nguyên nhân, ông Phúc nói: “Tất cả gói thầu đều lựa chọn qua mạng, thông tin rộng rãi nhưng lý do gì chỉ có 1 DN tham gia thì chúng tôi không biết”.
Đây là câu trả lời chưa thỏa đáng, bởi bối cảnh hiện nay tại Quảng Nam rất nhiều đơn vị xây lắp “đói việc”, nhu cầu tìm kiếm việc làm, giảm giá cạnh tranh trúng thầu rất lớn.
Bên cạnh đó, một số gói thầu tại đây có xu hướng liên doanh, đồng nghĩa mức độ quan tâm của các DN khác nhau là có. Nhưng mô hình liên doanh này tạo thế “độc diễn” khiến giá thầu không thể giảm sâu.
Qua tìm hiểu, nhận thấy còn có một số bất thường như gói thầu sửa chữa lề đường, mương thoát nước dọc tuyến ĐT 611 có 2 nhà thầu tham gia (Cty CP Xây dựng giao thông A.H và Cty TNHH Kỳ Trung). Gói này được mở thầu từ tháng 8/2021, nay hết thời hạn lựa chọn nhà thầu, đơn vị chức năng lại tiến hành gia hạn thêm (30 ngày) hồ sơ mời thầu.
Còn có việc các nhà thầu liên tiếp trúng nhiều gói thầu, được thông báo mời trong cùng thời điểm (tháng 5 - 6/2021). Điều này dễ dẫn đến nguy cơ trùng lắp các hợp đồng nhân công, thiết bị.