Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy (TTCH) phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn có xu hướng tăng nhanh. Tính đến 6h ngày 20/2, toàn tỉnh đã ghi nhận 14.973 ca, số người khỏi bệnh 9.828 ca, số ca tử vong là 24.
Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: “Sẵn sàng chiến lược dài hơi trong phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới”. |
Để thực hiện các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, hướng dẫn của Bộ Y tế, TTCH phòng, chống dịch tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản kịp thời, có các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Công tác cách ly, giám sát, xét nghiệm được triển khai phù hợp với tình hình. Hiện toàn tỉnh có gần 11.000 người cách ly tại nhà.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Cao Văn Định Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự buổi họp. |
Để tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh Quảng Bình đã và đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; rà soát, tiêm vacine cho người từ 50 tuổi trở lên, các đối tượng nguy cơ cao. Tổng số liều vacine được cấp là 1.334.468 liều, đã tiêm 1.316.150 liều.
Song song với công tác phòng, chống dịch, Quảng Bình cũng chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách linh hoạt và sáng tạo. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân đã cơ bản phục hồi.
Ông Đoàn Sinh Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tại buổi họp. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như; số ca nhiễm tăng nhanh đã gây áp lực cho hệ thống y tế xã, phường; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tuyến huyện, xã chưa đáp ứng yêu cầu nên có nguy cơ quá tải; vacine và một số hóa chất phục vụ phòng, chống dịch còn thiếu…
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho nhân dân; tăng tốc độ tiêm vacine và đẩy mạnh công tác điều trị; đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế huyện, kích hoạt lại khu điều trị Bệnh viện y dược cổ truyền để điều trị tầng 2; các bệnh viện tầng 2, tầng 3 sẵn sàng kế hoạch mở rộng quy mô điều trị; tăng cường vai trò tổ COVID cộng đồng…
Các đại biểu dự họp. |
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng yêu cầu: Mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát được tình hình lây nhiễm của dịch bệnh, bảo đảm mọi F0 được quan tâm, hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc sử dụng thuốc điều trị nếu cần thiết; duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động, học tập… để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Để hoàn thành các mục tiêu này cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vacine cho các đối tượng đúng lộ trình, kế hoạch đề ra; đẩy mạnh việc chăm sóc y tế cho người nhiễm bệnh, kịp thời quan tâm, động viên, chia sẻ, hướng dẫn để bà con yên tâm điều trị; cân nhắc việc lập đường dây nóng để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin y tế kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành, địa phương chủ động tăng cường, điều phối lực lượng y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị để hỗ trợ lẫn nhau trong các thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, phải xem đây là nhiệm vụ chính trị, cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, cần chủ động nguồn thuốc điều trị; xây dựng phương án mua sắm trang thiết bị, sẵn sàng kiểm tra, xét nghiệm cho người dân, hỗ trợ kịp thời các địa phương.
Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm duy trì các hoạt động, không áp dụng các biện pháp cực đoan trong phòng, chống dịch, tạo điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đến nay, có 9.831 trường hợp điều trị tại nhà, 5.142 trường hợp điều trị tại bệnh viện và các cơ sở điều trị COVID-19. Trong tổng số 24 ca tử vong, chủ yếu là các trường hợp liên quan đến bệnh nền nặng và chưa tiêm vacine. Tỷ lệ tử vong là 0,16% (so với toàn quốc là 1,4% và thế giới là 1,6%).