Xác nhận với PLVN, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Bình cho biết; Công ty TNHH XD&TMDV Trường Hưng (Công ty Trường Hưng) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT xin từ chối công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu xây dựng ở phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới.
Cụ thể trong văn bản xin từ chối của Công ty Trường Hưng do ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc ký viện dẫn rằng: “Do chưa hiểu rõ về cách tính tiền đấu giá tài sản nên đã tính nhầm giá trị quyền khai thác... rồi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên Công ty chưa đảm bảo phương án tài chính để thực hiện nghĩa vụ cấp quyền khai thác đối với mỏ đất làm vật liệu san lấp…”.
Trước đó, ngày 9/6/2022, tại trụ sở Công ty Đấu giá Hợp danh Trực tuyến Toàn Cầu tại Quảng Bình đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mỏ đất làm vật liệu san lấp tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới với diện tích 20 ha, tài nguyên dự báo 1 triệu m3. Số tiền đặt cọc trước là 256 triệu đồng. Giá khởi điểm 1 tỷ 7 trăm lẻ 6 nghìn đồng.
Kết quả sau 17 vòng bỏ phiếu với 8 Công ty tham gia đấu giá thì Công ty Trường Hưng được công bố là khách hàng trúng đấu giá với số tiền hơn 68 tỷ đồng, tức cao hơn 40 lần so với giá khởi điểm. Theo đó, Công ty Trường Hưng được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận kết quả đấu giá tại Quyết định số 1827/QĐ/UBND ngày 1/7/2022.
Đại diện Sở TN&MT Quảng Bình cho biết, quy định của luật đấu giá tài sản trong vòng 6 tháng, bên trúng đấu giá không nộp tiền cấp quyền thì sẽ mất tiền cọc 256 triệu đồng. Lúc đó Sở TN&MT mới tham mưu văn bản trình UBND tỉnh thông báo hủy kết quả trúng đấu giá.
Văn bản xin từ chối công nhận kết quả trúng đấu giá của Công ty Trường Hưng gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT Quảng Bình. |
Sau đó Sở TN&MT tiếp tục lập hồ sơ, khảo sát, xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá, thủ tục này cũng phải mất 3-4 tháng, rồi đăng lên thông tin đại chúng như báo Đấu thầu, trang thông tin của Bộ TN&MT nữa rồi mới được đưa ra đấu giá.
Do đó, mỏ đất này buộc phải mất cả năm không thể khai thác, việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đất cấp phối để phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, trong khi đó quy hoạch mỏ đất của tỉnh rất ít do hầu hết đều vướng đất ở của dân, rất khó áp giá đền bù.
Vì lẽ đó, dư luận ở Quảng Bình đặt câu hỏi, liệu đằng sau việc Công ty Trường Hưng trả giá cao ngất ngưỡng rồi từ chối công nhận kết quả trúng đấu giá có thực sự là “tính nhầm”?.
Đại diện một doanh nghiệp tham gia đấu giá cho biết, do bị “thổi giá” trên trời khiến doanh nghiệp không thể theo được. Mặc dù thực tế chúng tôi có đủ điều kiện và có nhu cầu thực sự.
Hơn nữa tại thời điểm đấu giá, năng lực tài chính thực sự của Công ty Trường Hưng đến đâu mà đưa ra số tiền “khủng” như vậy để bằng mọi cách trúng đấu giá bằng được?
Cũng có ý kiến cho rằng, việc bỏ cọc thì 6 tháng sau mỏ đất này mới được tiếp tục đưa ra đấu giá sẽ gây thiếu hụt nguồn cung, đồng nghĩa trong 6 tháng tới, mỏ đất cũ trước đó sẽ hạn chế sự cạnh tranh. Trong khi tỉnh đang khan hiếm mỏ đất san lấp thật sự.
Mặt khác, cũng không loại trừ khả năng việc “găm” mỏ đất này không cho thuộc về Công ty nào cũng để hạn chế tiêu chí đấu thầu trong các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn. Bởi nhiều chủ đầu tư luôn đưa ra tiêu chí khi tham gia đấu thầu tại các công trình giao thông, xây dựng yêu cầu phải có mỏ đất mới đạt yêu cầu dự thầu. Như vậy những Công ty có được mỏ đất được xem là một lợi thế nhất định.
Theo ông Phạm Lê Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc không nộp tiền trúng đấu giá thì Nhà nước phải tổ chức đấu giá lại, gây mất thời gian, tốn thêm chi phí, công sức cho lần đấu giá tiếp theo và lãng phí ngân sách.
Đặc biệt là gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chân chính, vì muốn đầu tư thực sự thì không trúng đấu giá, bị một số tổ chức khác phá giá rồi bỏ cọc, làm cho giá trị của tài sản không đúng với giá trị thực của nó, làm nhiễu loạn thị trường.
Cùng với đó, kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng cho công tác định giá sắp tới của các dự án, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, ông Sơn kiến nghị: Cơ quan chức năng cần xem xét sửa Luật đấu giá theo hướng nâng số tiền đặt trước phải từ 30%-50% trên giá khởi điểm (Luật hiện hành 5%-20%); Người tham gia đấu giá phải ký quỹ, hoặc bảo lãnh cho giá trị tài sản mà mình tham gia đấu giá, nếu bỏ cọc thì phải đền bù toàn bộ giá trị tài sản.
Ngoài ra, nên quy định thời gian nộp tiền trúng đấu giá phải rút ngắn để những tổ chức không có năng lực thực sự không thể tham gia đấu giá (hiện thời gian nộp tiền trúng đấu giá đối với mỏ khoáng sản là 60 ngày đến 90 ngày). Quy định những cá nhân, tổ chức đã vi phạm bỏ cọc trong đấu giá thì phải cấm tham gia đấu giá ít nhất từ 5 năm trở lên đối với tài sản tương tự mà họ bỏ cọc chắc chắn sẽ hạn chế tối đa tình trạng trên.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Quảng Trạch nói: Đây có thể là tình trạng thổi bong bóng để thao túng thị trường, vì muốn tổ chức đấu giá lại phải mất cả năm, trong lúc đó nhiều công trình, dự án trọng điểm buộc phải thực hiện. Do đó buộc phải lấy đất san lấp đã được cấp phép trước đó. Tức là đấu nơi này thả rồi bán nơi khác…
Theo đó, ông Anh kiến nghị tỉnh cần bổ sung quy chế đấu giá chặt chẽ hơn, ví dụ như nâng mức tiền đặt cọc tối đa để tránh bỏ cọc, hai là phải cam kết tài chính như bảo lãnh ngân hàng để chứng minh, ngoài ra những đơn vị đã từng bỏ cọc hoặc từ chối trúng đấu giá thì không được tham gia đấu giá lần kế tiếp, lúc đó sẽ hạn chế tối đa những sự việc như trên. Vì trong thời gian luật đấu giá chưa điều chỉnh thì trong quy chế đấu giá chúng ta cần đưa vào điều kiện như trên để hạn chế tối đa hệ lụy.
Theo tìm hiểu trước đó ngày 14/12/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2021 với tổng số 9 khu vực mỏ, diện tích 117,17ha; trong đó, đất làm vật liệu xây dựng thông thường 4 mỏ, diện tích 33,47ha; đất làm vật liệu san lấp có 5 mỏ, diện tích 83,70ha. Thời gian thực hiện tháng 12/2021 đến Quý I năm 2022. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến tháng 6/2022 mới tổ chức đấu giá, nhưng chỉ có 4 mỏ trúng đấu giá gồm 2 đất san lấp và 2 mỏ vật liệu xây dựng thông thường.