Bưởi Phúc Trạch là loại cây ăn quả chủ lực phát triển kinh tế và được xem là “đệ nhất danh quả” của huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh).
Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh, được vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Bưởi Phúc Trạch được chỉ dẫn địa lý ở 19/21 xã, thị trấn trong toàn huyện, với tổng diện tích khoảng hơn 2.700 ha gồm: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Phú Phong, Hương Xuân, Phú Gia, Hương Bình, Hương Long, Phúc Đồng, Hà Linh, Hương Vĩnh, Hòa Hải, Hương Trà, Điền Mỹ, Hương Liên. Trong đó, bưởi được trồng tập trung ở 4 xã: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên.
Toàn huyện Hương Khê có 2.768 ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó 1.906 ha cho thu hoạch. Với năng suất đạt trên 110 tạ/ha, tổng sản lượng năm 2023 của huyện Hương Khê ước đạt khoảng 21.000 tấn, giá trị sản xuất ước đạt gần 590 tỷ đồng (tương đương năm 2022).
Hiện nay, hầu hết các hộ dân đã nắm vững kỹ năng thụ phấn bổ sung, tỉa quả, và bón phân đúng từng thời kỳ phát triển của quả. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã thực hành quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ...; đầu tư thiết bị, máy móc để chăm sóc bưởi, cung cấp đủ nước trong mùa hạn hán... nhờ vậy chất lượng bưởi Phúc Trạch đang ngày càng được nâng lên. Thương hiệu bưởi Phúc Trạch được đầu tư, phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao giá trị cho thương hiệu bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã thành lập Tổ công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ bưởi; đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến tiêu thụ cho sản phẩm bưởi.
Theo đó, huyện Hương Khê xác định thị trường tiêu thụ trong nước là cơ bản, trong đó quan tâm duy trì các thị trường truyền thống; tạo điều kiện mở rộng thị trường mới tại: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...
Cùng với việc tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, truyền thống, huyện đặc biệt quan tâm, thúc đẩy phân phối sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Vinmart+, BigC, Co.opmart...; các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Shopee, Lazada, Sendo...) hay trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, zalo, tiktok… Đồng thời kết nối, giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn huyện tiếp cận với các thị trường mới qua các hội chợ thương mại trên toàn quốc.
Hiện nay, nhiều hộ dân đã thực hành quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ... nhờ vậy chất lượng sản phẩm bưởi Phúc Trạch ngày càng được nâng lên. |
Huyện cũng tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quản lý để chống ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, nhất là các hộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ; quan tâm chỉ đạo công tác chuyển đổi số, minh bạch thông tin về sản phẩm, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể về quảng bá, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý. Tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tem nhãn đúng theo quy định; không để bưởi ở địa phương khác trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch.
Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Hà Tĩnh), cho biết, trong mùa vụ năm 2023 vừa qua, Trung tâm cũng đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Hương Khê khảo sát các hộ trồng bưởi theo quy trình VietGap và hữu cơ nhằm đánh giá chất lượng, xây dựng bảng giá sản phẩm để xúc tiến kết nối, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Đặc biệt, Trung tâm đã có thư ngỏ gửi tới Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ đó gửi tới 63 tỉnh, thành trên cả nước để kết nối tiêu thụ cho sản phẩm.
Trung tâm cũng cử cán bộ chuyên môn tổ chức phát trực tiếp thực tế vườn bưởi trên các trang mạng xã hội; xây dựng video, hình ảnh, phóng sự các vườn bưởi đạt chất lượng, sản xuất đúng quy trình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi Phúc Trạch tới khách hàng trên mọi miền Tổ quốc.