Đã rà soát gần 8,8 nghìn văn bản
Thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Theo đó, phạm vi rà soát là các VBQPPL của các cơ quan Trung ương đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30/6/2020), trừ Hiến pháp, trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Cục trưởng Đồng Ngọc Ba trình bày dự thảo Báo cáo. |
Ngoài việc rà soát theo diện rộng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, đợt rà soát này còn tập trung vào một số chuyên đề như gia nhập thị trường; thực hiện dự án đầu tư; tài chính, thuế; đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản; lao động, việc làm và an sinh xã hội; hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành; bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế.
Quá trình rà soát cho thấy, công tác xây dựng VBQPPL thời gian qua đạt kết quả tích cực là chủ yếu. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo đã phát hiện và đưa ra phương án xử lý các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
Cụ thể, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba cho biết, tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản (gồm 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).
Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn được tổng hợp từ kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, các nhóm rà soát của Tổ công tác. Trong đó, tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; quy định về tài chính, thuế, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo. |
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung được phản ánh trong dự thảo Báo cáo. Đồng thời, mong mỏi nâng cao được chất lượng ban hành văn bản, lắng nghe ý kiến phản biện của xã hội cũng như đề cao vai trò của Luật Ban hành VBQPPL trong xây dựng, ban hành văn bản để các văn bản khi ban hành phục vụ thiết thực lợi ích lâu dài của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Các bộ cần chủ động xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền đã được phát hiện
Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác rà soát thời gian qua đã xử lý nhiều khúc mắc, đợt này tiếp tục rà soát một cách tổng thể (chưa phải là tổng rà soát). Qua rà soát, phát hiện các vấn đề có thể mâu thuẫn, chồng chéo, có thể bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng cũng nên coi là bình thường trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận cuộc họp. |
Theo Thứ trưởng Hiếu, hệ thống pháp luật nước ta cần phải thiết lập nhanh để đáp ứng yêu cầu phát triển đặt ra nên có bất cập, tạo ra mâu thuẫn, xung đột là không tránh khỏi. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất là mục tiêu lý tưởng mà nước ta và cả các nước khác cũng hướng tới. Vì vậy không cần quá lo lắng nếu phát hiện ra mâu thuẫn, bất cập bởi quan trọng là cần nhìn thẳng vào vấn đề để quyết tâm sửa đổi.
Về các vấn đề cụ thể, đối với nội dung đưa ra khỏi báo cáo, Thứ trưởng Hiếu cho rằng, phần lớn là hợp lý như quy định về công ty hợp danh chưa gây bức xúc trong thực tiễn. Nghĩa là nhiều nội dung rà soát đúng rồi song cân nhắc kỹ hơn, nếu chưa bức xúc hay quy định trong một số luật mới được Quốc hội thông qua thì có thể đưa ra khỏi báo cáo.
Với nội dung bổ sung, Thứ trưởng Hiếu khẳng định về nguyên tắc đã trình Chính phủ nên không bổ sung quá nhiều vào đây được, rất khó cho khâu xử lý, thẩm tra, phải thực sự chắc chắn là vấn đề lớn mới đưa vào. Hay các nội dung còn có ý kiến khác nhau là đưa hay không đưa vào báo cáo thì cần căn cứ vào kết quả từ các nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát. Riêng với các quy định trong thông tư mà phát hiện có vướng mắc thì các bộ cần chủ động xử lý trong thẩm quyền của mình, không đưa quá nhiều vào báo cáo.