Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo một số nội dung lớn trong Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi), ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH). Theo đó, cần phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử... thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển tiệm cận với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, qua hơn 8 năm thi hành Luật Tổ chức TAND, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường. Mỗi năm, các Tòa án đã xét xử, giải quyết hàng trăm nghìn vụ án, vụ việc các loại. Đặc biệt, Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Chủ tịch QH cũng tán thành với đánh giá của các đại biểu về những khó khăn, bất cập về tổ chức, hoạt động của TAND trong thời gian qua, đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi Luật hiện hành.
Về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), đánh giá cao sự chuẩn bị khẩn trương, tích cực của TAND Tối cao trong xây dựng hồ sơ Dự án Luật công phu, Chủ tịch QH đề nghị cần tiếp tục quán triệt sâu hơn nữa về việc bám sát chủ trương lớn về cải cách tư pháp trong các nghị quyết của Trung ương, trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời, bảo đảm tuyệt đối tính hợp hiến để tiếp tục rà soát để thể chế hóa, cụ thể hóa trong Luật.
Nhấn mạnh những nguyên tắc quan trọng đã được Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch QH nêu rõ yêu cầu xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong đó, Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là đột phá. Chủ tịch QH cũng đề nghị rà soát, tính toán kỹ lưỡng hơn về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là các luật về hoạt động tư pháp, luật về tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế nào có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức TAND hiện hành; vướng mắc, tồn tại hạn chế nào có nguyên nhân từ quá trình tổ chức thi hành Luật, đề ra phương án xử lý phù hợp.
Nhắc lại quan điểm trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chủ tịch QH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý, tìm ra phương án tốt nhất, đồng thuận cao về những nội dung lớn, những nội dung còn ý kiến khác nhau để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật. Chủ tịch QH cho rằng, với cách làm thận trọng, dân chủ, các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, cơ quan thẩm tra kỹ lưỡng, khách quan hồ sơ Dự án Luật để trình ra những phương án tối ưu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu