Đầu năm về đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, Vĩnh Bảo là nét đẹp văn hóa truyền thống được nhiều gia đình, dòng họ, trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng duy trì. Năm nay thời tiết lý tưởng, cộng với giao thông đi lại thuận tiện hơn, lượng du khách về đền Trạng Trình tham quan, dâng hương đông như trẩy hội.
Trung tâm văn hóa vùng
Quần thể di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thực sự trở thành trung tâm văn hóa của cả vùng.
Giám đốc ban quản lý di tích Trạng Trình Nguyễn Bá Đốc cho biết, năm nay tại khu di tích được phép tổ chức bắn pháo hoa và nơi đây là một điểm cầu truyền hình nên ngay trong đêm 30 Tết, lượng du khách đến tham quan, dâng hương rất đông. Toàn bộ khu vực quảng trường, đường dẫn vào khu di tích chật cứng người. Từ chiều mồng một Tết nhiều gia đình tổ chức cho con, em về tham quan, dâng hương tại đền. Cầu Khuể hoàn thành và đưa vào sử dụng, rất thuận tiện cho du khách về với đền Trạng. Vì vậy, lượng khách trong thành phố và các tỉnh bạn đến tham quan, dâng hương tại khu di tích tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách, ngày cao điểm có tới vài chục đoàn khách. Tính chung, từ đêm 30 Tết đến ngày mồng 6 tháng Giêng có tới hơn 1 vạn lượt khách đến tham quan. Ngoài khách địa phương, còn có nhiều đoàn khách đến từ các tỉnh:
Nhiều hạng mục được trùng tu, tôn tạo
Nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2000 đến nay, được sự quan tâm của thành phố, sự giúp đỡ của Bộ Văn hoá -Thể thao- Du lịch…, huyện Vĩnh Bảo tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây dựng, mở rộng khu di tích và các công trình văn hoá liên quan đến thân thế, sự nghiệp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày càng khang trang, bề thế. Năm 2010, bằng nguồn ngân sách của thành phố, tại khu di tích xây dựng thêm nhà tả vu, nhà hữu vu, cải tạo mở rộng núi sấm chín ngọn, phục chế vườn tượng, mở rộng đường dẫn vào khu di tích, chỉnh trang cây xanh, khuôn viên…và nhiều hạng mục công trình khác. Như vậy, từ sau khi quần thể di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được quy hoạch, tôn tạo và Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia (năm 1991), nơi đây không chỉ là một danh lam, với các hạng mục kiến trúc được sắp xếp hợp lý, khoa học, cảnh quan hài hòa, mà nó còn là nơi lưu giữ các di sản gắn liền với thân thế, sự nghiệp của vị Trình quốc công tài ba - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến với khu di tích năm nay, du khách được chiêm ngưỡng khuôn viên vừa mới đầu tư, tôn tạo; có dịp khám phá nhiều điều chưa biết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, về sấm ký, được hòa mình với không gian trầm tĩnh thiêng liêng.
Tiến Đạt