Phát biểu sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường…, phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội…
Đặt vấn đề cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hóa, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia tập trung đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình, tập trung vào nội hàm của các khái niệm “văn hóa”, “con người”, “chấn hưng”, “phát triển”. Ngoài ra, Chương trình cần giải quyết mối quan hệ với các chương trình mục tiêu quốc gia khác (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); có khả năng bao trùm, tích hợp các chương trình, kế hoạch, chiến lược trong các lĩnh vực, phân ngành văn hóa trên cơ sở đánh giá những gì làm được, chưa làm được, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo.
Nhắc lại một số mục tiêu lớn mang tính cấp bách, ưu tiên trong Chương trình, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đó là bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng, có thể mất đi; xây dựng môi trường văn hóa bao gồm sản phẩm và hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường...; phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm thay đổi cơ bản về nhận thức, quản lý, thực hiện chấn hưng, phát triển văn hóa và xác định rõ vai trò của Nhà nước, xã hội, người dân; đa dạng nguồn lực đầu tư cho Chương trình từ nguồn vốn đầu tư công, kinh phí hoạt động thường xuyên, nguồn xã hội hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, quảng bá, truyền thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, người hoạt động thực hành trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khác nhau để xác định những vấn đề ưu tiên, cấp bách một cách minh bạch, rõ ràng, đưa được thực tiễn cuộc sống vào dự thảo Chương trình, giúp các bộ, ngành, địa phương hình dung được những gì cần làm, những lĩnh vực nào cần tác động.