Dằng dặc một nỗi đau
Quân nhân Nguyễn Anh Vần, SN 1944, với hơn 12 năm trong quân ngũ và có nhiều công lao. Hơn 8 năm ông chiến đấu trên các chiến trường miền Đông Nam Bộ và Đông bắc Campuchia. Trong chiến đấu, ông được nhận 06 giấy khen; 01 Huân chương Giải phóng hạng ba; 01 Huy hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp II; 08 Huy hiệu Dũng sỹ quyết thắng các cấp. Trong khi làm nhiệm vụ đi tuyển quân, ông Vần bị tai nạn và tử nạn trên tuyến đường Bắc Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Đơn khiếu nại về việc không xem xét xác nhận liệt sĩ cho quân nhân Nguyễn Anh Vần của anh Nguyễn Hải Anh (ngụ phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh) là con của quân nhân Nguyễn Anh Vần gửi tới Báo PLVN trình bày:
“Ngày 17/7/1977, cha tôi đã hy sinh do tai nạn đổ xe ô tô khi trên đường đưa tân binh về đơn vị tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Giấy báo tử thông báo tới gia đình có ghi: Đồng chí Nguyễn Anh Vần từ trần hồi 15h30’ ngày 17/7/1977 trong khi làm nhiệm vụ. Cha mất để lại sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi đối với gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi, khi ấy mới sinh tôi được hơn 3 tháng.
Sau nhiều năm mẹ tôi và tôi gửi đơn đề nghị xem xét chế độ liệt sĩ cho cha tôi tới các cấp, các cơ quan chức năng. Ngày 04/11/2017, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản số 13173/BQP-CT gửi Bộ LĐ-TB&XH chính thức đề nghị xác nhận liệt sĩ cho cha tôi là quân nhân Nguyễn Anh Vần.”
Tại Văn bản số 13173/BQP-CT ngày 04/11/2017 của Bộ Quốc phòng đã nêu rõ căn cứ, quy định của pháp luật để áp dụng công nhận liệt sĩ cho quân nhân Vần. Theo Quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ, bổ sung về tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh và về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ; Thông tư số 03/TBXH ngày 17/01/1981 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thi hành Quyết định số 301/CP, trong đó quy định: Người bị tai nạn, từ ngày 1/5/1975 trở về sau, ở vùng núi rẻo cao, được xác nhận là liệt sĩ.
Tại khoản 3, Mục I Thông tư số 16/TBXH ngày 14/5/1981 của Bộ LĐ-TB&XH quy định: Vùng núi rẻo cao nêu trong thông tư số 03/TBXH được Nhà nước quy định tại các địa phương, do UBND các tỉnh miền núi gửi về Bộ LĐ-TB&XH .
Theo Công văn số 815/LĐTBXH-NCC ngày 26/6/2017 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì luôn là địa bàn có quy định hưởng mức phụ cấp cao của khu vực đặc biệt, được áp dụng đối với “vùng biên giới hẻo lánh và một số đồn, trạm biên phòng ở các vùng cao” và “vùng có điều kiện khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn”.
Ngày 2/6/1993, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 15/LĐTBXH-TT, hướng dẫn chế độ phụ cấp khu vực đối với những địa bàn có khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn gồm 7 mức, từ mức 1 đến 7 với hệ số phụ cấp tương ứng từ 0,1;0,2;0,3;0,4;0,5;0,7 và 1,0; theo đó huyện Hoàng Su Phì có mức phụ cấp khu vực ở mức 0,7. Quân nhân Nguyễn Anh Vần bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ, hy sinh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Văn bản của Bộ LĐ-TB&XH liên quan đến vụ việc |
Từ những căn cứ trên, Bộ Quốc phòng khẳng định đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ cho Dũng sỹ Vần, văn bản nêu rõ: “ Áp dụng theo quy định tại các quy định trên, quân nhân Nguyễn Anh Vần đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ”.
Văn bản của Bộ Quốc phòng nêu rõ: Để giải quyết đúng chính sách đối với người có công, góp phần động viên gia đình đã có người hy sinh vì sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thống nhất vận dụng giải quyết xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân Nguyễn Anh Vần theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 17 Nghị định 31/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ.
Nỗi bức xúc của gia đình người đã khuất
Bà Tạ Thị Thúy Tăng - mẹ anh Hải Anh, vợ quân nhân Vần, nay đã gần 75 tuổi lại đang mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn 3, sau bao năm mong ngóng, khắc khoải chờ đợi, nhưng hành trình đi tìm danh dự cho chồng mình của bà lại phải kéo dài, mà chưa biết hồi kết khi Bộ LĐ-TB&XH lại ra văn bản cho rằng không đủ cơ sở để xác nhận liệt sĩ với quân nhân Nguyễn Anh Vần.
Cụ thể, sau 7 tháng, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu đề nghị xác nhận liệt sĩ Bộ Quốc phòng, ngày 25/6/2018, Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 2504/LĐTBXH-NCC trả lời Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, Bộ này lại cho rằng không đủ cơ sở để công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Nguyễn Anh Vần.
Theo đó, nội dung của Văn bản số 2504/LĐTBXH-NCC ngày 25/6/2018 của Bộ LĐTB&XH nêu: Vận dụng Điểm b khoản 2, Điều 17, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013: “Không xem xét công nhận liệt sỹ đối với những trường hợp chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sỹ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động”.
Văn bản của Bộ LĐ-TB&XH kết luận: Quân nhân Nguyễn Anh Vần từ trần ngày 17/7/1977, đã được đơn vị báo tử là tử sĩ thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ. Vì vậy, không có cơ sở để xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân Nguyễn Anh Vần.
Bức xúc trước nội dung văn bản của Bộ LĐ-TB&XH, anh Hải Anh nói: “Kiến nghị của gia đình tôi từ năm 1977 đến nay là kiến nghị việc báo tử, cũng như việc giải quyết chế độ chính sách không đúng tại thời điểm năm 1977 sau khi bố tôi mất. Tức là thời điểm đó việc không công nhận liệt sỹ cho bố tôi là sai. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã xem xét lại một cách khách quan, toàn diện sự việc. Và đưa ra kết luận rằng bố tôi hoàn toàn đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ”.
Trước đó, ngày 10/6/2014, Phòng Chính sách, Cục Chính trị, Quân Khu I đã ra Văn bản số 31/CS cũng vận dụng điểm b khoản 2, Điều 17, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ để trả lời đề nghị của gia đình anh về việc công nhận liệt sĩ cho quân nhân Nguyễn Anh Vần.
Tuy nhiên, do việc xem xét và trả lời của Cục Chính trị - Quân Khu I là không đúng theo quy định. Nên ngày 04/11/2017, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản số 13173/BQP-CT trả lời gia đình anh Hải Anh và gửi Bộ LĐTB&XH đề nghị công nhận liệt sĩ với quân nhân Nguyễn Anh Vần.
Anh Hải Anh cũng cho rằng, văn bản của Bộ LĐ-TB&XH đã vận dụng pháp luật một cách máy móc, rập khuôn; không phản ánh đúng bản chất sự việc đề nghị xác nhận liệt sỹ của gia đình anh. Việc đó thể hiện thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, sự mất mát và nỗi oan ức của gia đình anh trong mấy chục năm qua; đặc biệt là sự thờ ơ, vô cảm trước sự hy sinh cũng như những công lao, đóng góp của bố anh, một người lính đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.