Quận Ngô Quyền có vị trí là đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt, đường bộ và đường biển, nối Hải Phòng với các địa phương khác trong cả nước, giữa nước ta với các nước trên thế giới. Trong giai đoạn 1955-1975, công tác kế hoạch và đầu tư ở Ngô Quyền chú trọng huy động sức người, sức của để xây dựng, phát triển kinh tế và chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc thống nhất đất nước. Với thành tích đó, Đảng bộ, quân và dân quận Ngô Quyền vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước sau hoà bình, công tác kế hoạch và đầu tư tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định và duy trì các hoạt động kinh tế xã hội. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở địa phương. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp tại quận khẳng định uy tín, vị trí, thương hiệu và có mặt trên thị trường trong nước và thế giới như: Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, đồ hộp Hạ Long, sắt tráng men nhôm, cơ khí Sông Lô, cao su-nhựa Bắc Thành...
Đô thị mới trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: Trường Giang |
Cũng trong giai đoạn này, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị như trường học, bệnh viện, các trung tâm văn hoá, nghiên cứu khoa học, các khu nhà ở nhiều tầng như Đồng Quốc Bình, Cầu Tre, Vạn Mỹ được đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết những khó khăn của quận và thành phố sau những năm chiến tranh.
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với những đổi mới trong các chính sách quản lý kinh tế, công tác kế hoạch và đầu tư có những đổi mới căn bản, chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua các định hướng, các chính sách phát triển. Trong đó, coi trọng công tác quy hoạch, kế hoạch nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển và chấn hưng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Trong thời kỳ này, kinh tế quận Ngô Quyền phát triển mạnh về quy mô và tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng. Các mục tiêu về văn hoá xã hội theo hướng bền vững được bảo đảm với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; quốc phòng- an ninh được giữ vững, môi trường đầu tư được cải thiện tạo điều kiện tốt cho sự phát triển. Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng trên địa bàn đạt mức tăng trưởng hơn 20%/năm; giá trị thương mại dịch vụ đạt mức tăng trưởng hơn 20%/năm; thu ngân sách trên địa bàn quận tăng trưởng bình quân 21%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị thương mại dịch vụ, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng hơn 25%/năm. Nhiều dự án, công trình có quy mô lớn được triển khai trên địa bàn như các dự án: Khu đô thị mới Ngã Năm - Sân bay Cát Bi, Nút giao thông Quán Mau..., cùng với nhiều dự án, công trình khác góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện điều kiện làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước, điều kiện sống và học tập của các trường học và sinh hoạt của người dân đô thị. Các nhiệm vụ về kinh tế xã hội đều đạt được các mục tiêu đề ra. Với những kết quả đó, năm 2010, Đảng bộ, quân và dân quận Ngô Quyền được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.
Để đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố, quận Ngô Quyền đang và sẽ thực hiện hiệu quả công tác kế hoạch và đầu tư, quyết tâm xây dựng quận phát triển nhanh và bền vững, cùng thành phố Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Nguyễn Xuân Phi
Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền