Quan ngại đặc biệt về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan

Lực lượng Taliban bên ngoài Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 16/8.
Lực lượng Taliban bên ngoài Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 16/8.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi Taliban và tất cả các bên khác kiềm chế tối đa, đồng thời bày tỏ quan ngại đặc biệt về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Theo Reuters, trên kênh truyền hình Al Jazeera TV, người phát ngôn của văn phòng chính trị Taliban Mohammad Naeem tuyên bố: “Chiến tranh đã kết thúc trên đất nước này”. Người này cho hay, hình thức nhà nước và chế độ chính trị ở Afghanistan sẽ sớm được làm rõ. Đại diện Taliban cũng tuyên bố lực lượng này không muốn sống cô lập và kêu gọi thiết lập quan hệ hòa bình với quốc tế. Đài truyền hình Al Jazeera đã phát sóng những hình ảnh được miêu tả là các chỉ huy Taliban cùng hàng chục chiến binh có vũ trang trong Dinh tổng thống Afghanistan.

Tuyên bố của lực lượng Taliban được đưa ra sau khi Tổng thống Ashraf Ghani ngày 15/8 đã rời khỏi đất nước với lý do ông muốn tránh xảy ra các cuộc xung đột với Taliban, đẩy hàng triệu người dân ở Kabul vào nguy hiểm. Động thái của Tổng thống Afghanistan diễn ra cùng ngày với việc lực lượng Taliban gần như không vấp phải sự ngăn cản khi tiến vào thủ đô. Lực lượng này đã mất chỉ hơn một tuần để giành quyền kiểm soát Afghanistan sau cuộc càn quét chớp nhoáng kết thúc ở Kabul.

Nhiều người Afghanistan lo sợ Taliban sẽ quay trở lại những thực hành khắc nghiệt trong quá khứ khi luật sharia, hay luật Hồi giáo, được áp đặt. Trong thời gian Taliban nắm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ không được làm việc, trẻ em gái không được đến trường, phụ nữ khi ra ngoài phải che mặt và có người thân là nam giới đi cùng mới được ra khỏi nhà. Các hình phạt như ném đá, đánh roi và treo cổ cũng đã được áp dụng ở nước này trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, trong những tuyên bố mới nhất, lực lượng Taliban đã tìm cách thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn, hứa sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và bảo vệ cả người nước ngoài và người Afghanistan.

Một thủ lĩnh của Taliban cũng nói với Reuters rằng quân nổi dậy đang tập hợp lại lực lượng từ các tỉnh khác nhau và sẽ đợi cho đến khi các lực lượng nước ngoài rời đi mới thiết lập cơ cấu quản trị mới. Người này cũng cho biết các chiến binh Taliban đã được “lệnh cho phép người Afghanistan tiếp tục các hoạt động hàng ngày và không làm gì để khiến dân thường sợ hãi”. Taliban cũng khẳng định không nhận được báo cáo về bất cứ vụ đụng độ nào xảy ra trên cả nước. “Tình hình diễn ra hòa bình”, một đại diện của lực lượng phiến quân tuyên bố. Theo người này, Taliban đang nắm quyền kiểm soát 90% các tòa nhà của các cơ quan nhà nước của Afghanistan.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi Taliban và tất cả các bên khác kiềm chế tối đa, đồng thời bày tỏ quan ngại đặc biệt về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. Ông Guterres sẽ có cuộc họp với Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về tình hình ở Afghanistan. Trước đó, trong tuyên bố ngày 3/8, 15 thành viên Hội đồng bảo an đã khẳng định không ủng hộ việc khôi phục Tiểu vương quốc Hồi giáo (tức việc cai trị của Taliban) tại Afghanistan. Đại sứ Liên Hợp quốc tại Afghanistan Ghulam Isaczai cho biết, thông điệp mà ông gửi tới cuộc họp của Hội đồng bảo an là cần làm mọi thứ để ngăn tình trạng bạo lực tiếp diễn và bảo đảm quá trình chuyển đổi có trật tự sang một chính phủ chuyển tiếp.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong lúc các nước phương Tây đang đẩy mạnh sơ tán công dân của họ. Hơn 65 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar… đã cùng ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ người dân Afghanistan và các công dân nước ngoài cần được tạo điều kiện để rời khỏi Afghanistan theo nguyện vọng, đồng thời các sân bay và đường biên giới của Afghanistan cần luôn được mở cửa. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ sáng 16/8 cho biết, gần như tất cả nhân viên đại sứ quán, bao gồm cả Đại sứ Ross Wilson, đã có mặt tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul. Quốc kỳ Mỹ đã được hạ xuống và di dời khỏi khuôn viên đại sứ quán ở Afghanistan. Theo một quan chức, Lầu Năm Góc đã ủy quyền cho thêm 1.000 binh sĩ giúp sơ tán công dân Mỹ và những người Afghanistan làm việc cho họ.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay, khoảng 500 người, chủ yếu là người Mỹ, đã được sơ tán và con số sẽ tăng lên 5.000 người mỗi ngày khi tất cả các lực lượng Mỹ có mặt ở Kabul như dự kiến. Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Pháp, Đức và Hà Lan, cũng cho biết họ đang tích cực đưa công dân cũng như một số nhân viên người Afghanistan ra khỏi đất nước. Lo ngại tình hình an ninh tại Afghanistan, nhiều hãng hàng không quốc tế đã quyết định đình chỉ đường bay tới thủ đô Kabul của nước này. Hàng trăm người Afghanistan cũng đã vội vã rời khỏi Afghanistan.

Từ tháng 4 vừa qua, Taliban đã đẩy mạnh chiến dịch nhằm đánh bại chính phủ do Mỹ hậu thuẫn khi các lực lượng nước ngoài rút quân sau 20 năm tham chiến ở Afghanistan. Các lực lượng Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn đã lật đổ Taliban vào cuối năm 2001 vì từ chối giao nộp thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden.

Chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan

Liên quan đến tình hình công dân Việt Nam tại Afghanistan, Bộ Ngoại giao cho biết, trong bối cảnh tình hình Afghanistan ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan theo dõi sát tình hình, khẩn trương rà soát, nắm tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây, xây dựng kế hoạch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan cũng đã chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân như đăng thông báo bảo hộ công dân lên website chính thức của Đại sứ quán, trao đổi với các đầu mối liên lạc tại Afghanistan đề nghị hỗ trợ tìm hiểu thông tin về tình hình công dân Việt Nam tại Afghanistan. Theo Đại sứ quán, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan.

Trước đó, ngày 3/8, Đại sứ quán đã phối hợp đưa một công dân Việt Nam làm việc cho cơ quan của Liên hợp quốc tại Afghanistan về nước an toàn. Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan: + 92 0336 3336868 (Whatsapp) hoặc + 84 936 061996 (Zalo, Viber), số điện thoại cố định +92 51 2655785/87 hoặc tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao +84 981 848484.

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.