Không phải ngẫu nhiên mà tôi đi tìm đọc cuốn sách “Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” của TS. Lưu Kiếm Thanh do Nhà xuất bản Lao động ấn hành. Lý do là mặc dù không đến nỗi bi quan, nhưng tôi đã thật sự băn khoăn khi đọc được một mẩu tin trên Hanoimoi Online...
Vấn đề quản lý nhà nước và quản lý xã hội trong điều kiện hiện nay hầu hết các mặt của đời sống xã hội đang dần dần được luật hoá. Thực tế này cho thấy xu thế pháp quyền đang được coi trọng. Tuy nhiên, công tác quản lý xã hội bằng pháp luật đã thật sự hiệu quả chưa, thì đó là vấn đề còn phải xem xét ở nhiều mặt, trên nhiều bình diện khác nhau.
Chắc chắn có một yếu tố mang tính quyết định cần phải xem xét đó là tính đúng, tính chuẩn mực, tính phù hợp và khả thi của các quy phạm pháp luật khi thực hiện điều chỉnh các quan hệ, các nhóm quan hệ của đời sống xã hội.
Trên thực tế, chính quyền các cấp có thể sử dụng pháp luật như một công cụ quan trọng để quản lý và phát triển, thậm chí quản lý tốt và phát triển bền vững. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhưng rõ ràng rằng, chúng ta không thể trách hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả quản lý xã hội không cao khi mà đọc dòng tin dưới đây trên Hanoimoi Online: “...
Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2011, các Sở Tư pháp của 63 địa phương trong cả nước đã kiểm tra gần 44.600 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình thức, nội dung và thẩm quyền ban hành. Xét về con số thì tỷ lệ văn bản vi phạm pháp luật của năm 2007 là 21%; 4 năm sau, năm 2011, con số đó là 30%...
Cũng trong năm 2011, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận tổng số 4.219 văn bản từ các nguồn, tiến hành phân loại trên 2.165 văn bản, kiểm tra gần 1.800 văn bản, trong đó có 1.388 văn bản của các địa phương. Kết quả đã phát hiện 520 văn bản có dấu hiệu trái luật, chiếm 29% số văn bản kiểm tra. Tổng số nội dung phát hiện trái pháp luật là 655 văn bản...”.
Thực tế này cho thấy, dường như, việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang gặp những vấn đề cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, trong đó có kỹ năng xây dựng và ban hành... Trước bối cảnh trên, chúng tôi được đọc cuốn “Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” của TS. Lưu Kiếm Thanh – Giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia và thấy rằng, đây là cuốn sách mà những ai làm công việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật rất đáng tham khảo.
Ở cuốn sách này, tác giả đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc về các vấn đề xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay với một bố cục rất hợp lý. Bắt đầu từ khái niệm thế nào là văn bản quy phạm pháp luật; cách phân loại chúng; những chủ thể nào có thẩm quyền ban hành; bố cục và thể thức của văn bản; quy trình soạn thảo và ban hành văn bản; các quy định về giám sát, kiểm tra và xử lý văn bản.
Đặc biệt, cuốn sách có riêng một phần nói về sử dụng ngôn ngữ trong soạn thảo văn bản pháp luật. Bởi lẽ, ngôn ngữ có ý nghĩa rất quan trọng, chất lượng ngôn ngữ thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật không chỉ thể hiện trình độ văn hoá của chủ thể soạn thảo ra nó, mà còn phản ánh trình độ phát triển nền văn hoá của cả một dân tộc. Một nhận định rất sâu sắc, là bài học kinh nghiệm cho cả nhà quản lý và nhà soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật...
Cũng theo tác giả, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động sáng tạo pháp luật, bởi lẽ, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo, là quá trình nhận thức các quy luật xã hội, đặc biệt là quy luật lợi ích, xác định tầm quan trọng của các quan hệ xã hội, từ đó xác định phạm vi và phương pháp điều chỉnh đúng đắn đối với các quan hệ xã hội đó.
Như vậy, cũng như các hoạt động sáng tạo khác, sáng tạo pháp luật đòi hỏi các chủ thể phải có vốn tri thức rộng lớn, cùng với sự khảo sát và nắm bắt sâu sắc thực tiễn đời sống xã hội thì mới có thể sáng tạo ra các tác phẩm để đời.
Đôi điều bàn luận ở trên cũng là để khẳng định tầm quan trọng của hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, muốn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách “Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” của TS. Lưu Kiếm Thanh. Một cuốn sách rất nên đọc, nhất là những ai đang làm công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
TS. Nguyễn Quốc Sửu