Quản lý tiền công đức, tài trợ công khai, minh bạch: Tạo hành lang pháp lý để người dân tin tưởng

Người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Sở VH,TT&DL Thái Bình)
Người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Sở VH,TT&DL Thái Bình)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Sau 1 năm thực hiện Thông tư 04, cả nước thu 4.100 tỷ đồng. Con số này cho thấy người dân có nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội. Và điều họ cần là việc quản lý tiền công đức, tài trợ luôn được công khai, minh bạch.

Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh về quản lý, thu chi tiền công đức

Hoạt động công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt Nam, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Thông tư số 04 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh về quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên phạm vi cả nước.

Tháng 2/2023, trả lời trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính đã cho biết, Thông tư số 04/2023/TT-BTC thể hiện rõ quan điểm:

Thứ nhất, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Thứ hai, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội (bao gồm cả việc tự quyết định về nội dung chi và mức chi cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích), bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.

Có thể nói, việc ban hành Thông tư số 04 đã tạo hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.

Vì thế, Thông tư số 04 đã được Nhân dân và các tổ chức xã hội đồng thuận, ủng hộ. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn bản số 62/HĐTS-VP1 ngày 20/02/2023 hướng dẫn áp dụng Thông tư cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, đề nghị các tăng ni, phật tử, tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm Thông tư số 04.

Nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý tiền công đức của chính quyền địa phương

Thông tư số 04/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/3/2023, theo Bộ VH,TT&DL, sau 1 năm thực hiện quản lý tiền công đức, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy cả nước thu 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo), trong đó: số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng (75%), số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (25%).

Trước và trong thời gian kiểm tra, các địa phương thực hiện tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra, trong đó nêu rõ quan điểm: Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo; tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý tiền công đức.(Ảnh minh họa VGP)

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý tiền công đức.(Ảnh minh họa VGP)

Cũng theo Bộ VH,TT&DL, từ thực tiễn kiểm tra tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo; trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo, với lý do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa.

Tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác. Theo quy định tại Thông tư số 04, các khoản tiền nêu trên được thu gom để kiểm đếm và sử dụng chung cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội; trong đó có chi thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích và chi mua hương, hoa, lễ vật, đèn nhang tại di tích. Tuy nhiên, việc thực hiện tại những di tích chưa lắp camera có bảo đảm minh bạch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của người đại diện di tích.

Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương.

Vẫn còn xảy ra "va chạm" trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo (cụm di tích gồm đình, đền, miếu, chùa) và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo...

Trước thực tế này, để tiếp tục tiến tới quản lý tiền công đức, tài trợ công khai, minh bạch, ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 77/CĐ-TTg ngày 8/8/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Công điện nêu rõ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong quý IV/2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm...

Theo số liệu thống kê của Bộ VH,TT&DL, cả nước hiện nay có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, ngoài ra có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm "Sáng đạo trong đời" diễn ra từ ngày 21-28/11/2024 tại Trung tâm triển lãm Tràng Tiền (Hà Nội). (Ảnh: Thùy Dương)

51 tác phẩm độc đáo tại triển lãm 'Sáng đạo trong đời'

(PLVN) - Bằng những nét vẽ và cách thể hiện tinh tế trên các chất liệu hội họa, 12 hoạ sỹ tham gia triển lãm “Sáng đạo trong đời” đã tái hiện lại những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của Phật giáo theo cách riêng, đưa người xem vào một hành trình tâm linh độc đáo và cảm xúc.

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .

Nâng hình ảnh địa phương thu hút và hấp dẫn

Cuốn sách “Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc góp phần thu hút du lịch và môi trường văn hóa, kinh tế phát triển (ảnh T.T)
(PLVN) - Ngày 20/11/2024, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách “Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc” do Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung biên soạn. Cuốn sách tập trung làm rõ nhiều nội dung và phạm trù gắn với hình ảnh và bản sắc của địa phương cũng như cách thức vận hành để đạt đến một hình ảnh địa phương thu hút và hấp dẫn.