Thuộc phạm vi điều chỉnh của dịch vụ internet
Ở Việt Nam, trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT chưa công nhận website sàn giao dịch tiền ảo là website TMĐT hay sàn giao dịch TMĐT do chưa xác định tiền ảo là hàng hóa hay dịch vụ. Các sàn giao dịch tiền ảo đều có chức năng trung gian thanh toán nhưng do chưa được coi là sàn giao dịch TMĐT hoặc website cung cấp dịch vụ TMĐT nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52, không có nghĩa vụ thực hiện các quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho website TMĐT tại Nghị định này. Theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT thì các sàn giao dịch tiền ảo cũng không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư.
Vì thế, các sàn giao dịch tiền ảo hiện nay chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Nghị định 72.
Bên cạnh các loại tiền ảo – tiền mã hóa thì còn có các loại tài sản ảo như tên miền internet, đơn vị ảo được sử dụng trong các trò chơi trực tuyến như tài khoản game, các vật phẩm ảo trong game (mũ, áo giáp, kiếm…). Nhưng Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng đối với người chơi đã không cho mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau. Mặc dù vậy, thực tế các giao dịch này vẫn diễn ra và khó kiểm soát.
Trong quá trình quản lý thu thuế, cơ quan Thuế hiểu rằng căn cứ pháp lý áp dụng trong quản lý thu thuế đối với hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số có Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008. Theo đó, tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng. Cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn một số quy định pháp luật khác có liên quan như Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự. Các quy định này cho thấy hành vi mua, bán tiền kỹ thuật số không phải là hành vi bị cấm; hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua, bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại. Người sở hữu tiền kỹ thuật số có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên thuộc quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự. Do vậy, tiền kỹ thuật số là tài sản, là tài sản động sản theo các quy định của Bộ luật Dân sự và là hàng hóa động sản theo Luật Thương mại.
Đề xuất thành lập Hiệp hội blockchain
Có điều, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo có cách hiểu áp dụng pháp luật khác với cách hiểu của cơ quan Thuế, gây khó khăn rất lớn trong quá trình quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh tiền ảo đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Vì vậy, cơ quan Thuế hy vọng Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu thấu đáo bản chất của tài sản ảo, tiền ảo để quy định theo hướng xác định đây là hàng hóa.
Từ góc độ nhà đầu tư, một nhà đầu tư cho biết, giới đầu tư cần sự hỗ trợ và bảo trợ cho các hoạt động trao đổi bitcoin, altcoin (phiên bản cải tiến của bitcoin) trên thị trường crypto nhằm giảm thiểu rủi ro tối đa khi giao dịch về tiền Việt. Vị này khẳng định các nhà đầu tư sẵn sàng trả phí cho các hoạt động giao dịch song hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào các sàn giao dịch ẩn danh, các chợ đen, các đầu mối trung gian trên internet. Nhà đầu tư cũng cảnh báo, việc thanh toán bằng bitcoin hoặc altcoin bị xử phạt và không được pháp luật bảo hộ chính là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng triển khai các chương trình tài chính từ nước ngoài có sử dụng tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán. Trường hợp chương trình sụp đổ sẽ gây ra tình trạng “chảy máu” ngoại tệ và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư mạnh dạn đề xuất cơ quan quản lý thành lập hiệp hội blockchain (tạm hiểu là công nghệ chuỗi khối để tạo ra tiền ảo) Việt Nam. Mục đích của hiệp hội là nhằm phát triển khả năng mở rộng quản lý và ứng dụng blockchain cho các hoạt động thực tiễn tại Việt Nam; khuyến cáo và định hướng cho các nhà đầu tư tại Việt Nam khi tham gia vào thị trường crypto; khuyến khích các startup Việt ứng dụng blockchain cũng như tham gia thị trường crypto để gây dựng startup.