Quản lý hoạt động karaoke, vũ trường: Hành lang pháp lý cần bám sát thực tiễn

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn Hà Nội. (Nguồn ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn Hà Nội. (Nguồn ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, đồng bộ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập nảy sinh trong hoạt động này, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm dịch vụ giải trí phục vụ người dân và du khách, vừa bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, tới tháng 11/2022, cả nước có tổng số 15.077 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke; 31 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường. Cho đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng hơn 12.400 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Một trong những hành lang pháp lý quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường do Chính phủ ban hành ngày 19/6/2019, có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2019 (Nghị định 54/2019/NĐ-CP). Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã dần đi vào nền nếp, nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Nghị định quy định rõ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; quy trình kiểm soát, thẩm định các điều kiện liên quan bảo đảm theo quy định... Từ khi Nghị định 54/2019/NĐ-CP đi vào thực tiễn, các thủ tục hành chính đã được các địa phương tổ chức thực hiện và quản lý rõ ràng, cải cách đơn giản hơn, góp phần khuyến khích, tạo sự thông thoáng, thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh, tạo tính chủ động của các đơn vị, giảm bớt việc việc chờ đợi của người dân đối với thủ tục hành chính. Thông qua đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Riêng trong lĩnh vực VH,TT&DL, ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn hướng dẫn nội dung thực hiện Nghị định cho gần 600 cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phòng chuyên môn phụ trách karaoke, vũ trường của Sở VH,TT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP, Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, trả lời các vấn đề của địa phương quan tâm.

Bộ VH,TT&DL cũng đã chủ động, thường xuyên phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, kịp thời hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Đơn cử như Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Thông tư số 01/2021/TT-BTC ngày 07/01/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường; Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và các văn bản khác liên quan.

Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản để triển khai tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Theo số liệu báo cáo của các Sở VH,TT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay, cả nước đã ban hành gần 200 văn bản tập trung vào những nội dung như: hướng dẫn quy trình cấp phép, công bố thủ tục hành chính, tăng cường quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm,…

Một số địa phương như Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và quy chế hoạt động karaoke, vũ trường và các hoạt động văn hóa công cộng. Việc triển khai và thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời, thường xuyên, liên tục. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và tiến hành thường xuyên tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn.

Trong giai đoạn COVID-19, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương để ban hành văn bản chỉ đạo quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh. Bước sang năm 2022, căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án cho phép dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được hoạt động trở lại.

Để kéo giảm các nguy cơ mất an toàn, trật tự xã hội

Cũng trong giai đoạn COVID-19, loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường phải tạm dừng hoạt động, do đó, nhiều cơ sở kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí không thể hồi phục sau đại dịch. Thêm vào đó, năm 2022 cũng như trước đó, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội. Điển hình vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường là vụ cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến 32 người tử vong; vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke ISIS tại số 231 phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội Cảnh sát PCCC và CNCH hy sinh khi làm nhiệm vụ vào năm 2022.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 319/TB-VPCP ngày 5/10/2022, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố đề nghị chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định cấp giấy phép, kiểm tra, theo dõi việc cấp giấy phép, báo cáo về thực hiện những quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp tiến hành tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Qua kiểm tra, rà soát các địa phương đã tạm đình chỉ, dừng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC và an ninh trật tự. Riêng một số địa phương như: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên có 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do không bảo đảm an toàn về PCCC.

Theo Báo cáo số 347/BC-BCA-C07 ngày 15/03/2023 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc, qua rà soát tại 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động 10.482 cơ sở kinh doanh karaoke, đã thu hồi 2.775 Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, chiếm 26,47% số cơ sở bị đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động do không bảo đảm an toàn PCCC.

Từ sự kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong chấp hành quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, nhìn chung các nguy cơ về mất an toàn, an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đã được kiểm soát và khắc phục.

Tháng 6/2023, tại Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là những lĩnh vực nóng, đòi hỏi công tác quản lý phải sát sao, chặt chẽ, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và tăng cường trách nhiệm của các địa phương.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế khác là sau gần 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã hết sức khó khăn, nay được hoạt động trở lại nhưng không ít cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không bảo đảm quy định về an toàn PCCC, nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản.

Bởi vậy, trong thời gian tới, để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cũng như bảo đảm mô hình kinh doanh karaoke, vũ trường hoạt động an toàn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân, du khách, đòi hỏi hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hợp lý, phù hợp với thực tiễn.

Đọc thêm

Bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Từ ngày 1/7, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ hoặc đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn sẽ được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% giá trị. Đây là điểm mới trong Nghị định 156/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ 1/7, UBND xã cấp 'sổ đỏ' lần đầu

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Từ ngày 1/7, bộ máy mới theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành. Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã, phường, đặc khu sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu cho người dân.

Quy định về chế độ đối với lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách tại nhà tạm giữ

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Theo Thông tư số 15/2024/TT-BCA và các quy định hiện hành, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chuyên trách tại nhà tạm giữ được hưởng nhiều chế độ như phụ cấp đặc thù, bồi dưỡng khi làm việc với người nhiễm HIV/AIDS, định lượng ăn theo tính chất công việc, cùng các chính sách phụ cấp vùng khó khăn nếu có.

Diễn biến sự việc 'một bản quy hoạch gây băn khoăn tại Bà Rịa – Vũng Tàu': TP Bà Rịa đề xuất tạm dừng đồ án để rà soát kỹ lưỡng

Một trong những KDC bị ảnh hưởng bởi quy hoạch điều chỉnh.
(PLVN) - Sau khi Báo PLVN có bài viết “Một đồ án quy hoạch gây băn khoăn tại TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu)”, TP Bà Rịa đã tổ chức đối thoại với DN và người dân về những kiến nghị liên quan đến quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 TP Bà Rịa đến 2045. Bộ Xây dựng cũng có những góp ý rất cụ thể, nhằm bảo đảm đồ án phù hợp với thực tế và bối cảnh phát triển mới của đô thị.

Nhờ người trông xe hộ bị mất xe của khách thì có phải chịu trách nhiệm không?

Luật sư Chu Quỳnh Vương.
(PLVN) - Bạn Khánh Vân (Long An) hỏi: Tôi đang làm bảo vệ kiêm trông xe cho một nhà hàng bán đồ ăn. Do có việc bận không đi làm được nên tôi có nhờ một cậu em đến trông xe hộ (tôi có hướng dẫn đầy đủ quy trình lấy vé, dắt xe và thu vé của khách). Tuy nhiên, hôm đó, có một khách bị mất một chiếc xe máy. Vậy tôi có phải bồi thường không?

Đất 5% và những điều cần biết

 Đất 5% là loại đất nông nghiệp, thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND cấp xã. (Ảnh: chinhphu.vn)
(PLVN) - Dù chỉ thể hiện ở một tỷ lệ % nhỏ trong tổng quỹ đất nông nghiệp của toàn quốc nhưng số lượng đất 5% đang nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn tranh cãi về chủ quyền của người đang sử dụng đất.

Vận chuyển hàng hóa nhập lậu bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Bạn Hoàng Anh (Lào Cai) hỏi: Tôi là tài xế tự do, vừa rồi tôi có được thuê chở một chuyến hàng nhưng đi qua chốt bị cảnh sát kiểm tra, hàng hóa này không có giấy tờ, không có giấy phép nhập khẩu, bao bì là chữ nước ngoài. Xin hỏi, hàng đó có được xem là hàng nhập lậu không? Việc vận chuyển hàng hóa nhập lậu bị xử lý như thế nào?

Đề xuất mới về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ
(PLVN) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tài xế bị tạm giữ giấy phép lái xe thì có bị công ty cho nghỉ việc không?

Luật sư Chu Quỳnh Vương.
(PLVN) - Bạn Thành (Kim Giang, Hà Nội) hỏi: Tôi làm lái xe tải cho một công ty vận tải ở Hà Nội, có ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình lái xe, do vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên tôi đã bị tạm giữ Giấy phép lái xe 03 tháng. Vậy xin hỏi, tôi có bị công ty cho nghỉ việc không?

Sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ, nộp thuế thay người bán hàng online từ 1/7

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Chính phủ mới ban hành Nghị định số 117/2025/NĐ-CP quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân. Theo đó, từ ngày 1/7, các sàn thương mại điện tử sẽ thực hiện khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh online trên nền tảng của mình.