Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chặt chẽ, hiệu quả hơn

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.
(PLVN) - Sáng nay, 23/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng giúp cho công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Hà Thọ Bình (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, việc ban hành Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và luật hóa các quy định, nghị định, thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế về việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả sẽ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng cùng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại biểu khẳng định, việc xây dựng Luật đã có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.

Đại biểu Đặng Văn Lẫm (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước được giao cho quân đội và chính quyền địa phương các cấp tổ chức xây dựng, sử dụng, quản lý, bảo vệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công trình quốc phòng không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, nếu công trình quốc phòng và khu quân sự bị xâm hại có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Theo đại biểu, việc xác định phạm vi bảo vệ, khoảng cách an toàn các khu vực công trình quốc phòng và khu quân sự dựa vào phương pháp tính toán khoa học và thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ như mức độ thiệt hại ảnh hưởng đối với con người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy, nổ kho đạn dược, mức độ ảnh hưởng của chướng ngại vật và các hoạt động khác đe dọa đến hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự là một trong những nội dung rất cơ bản quan trọng, là cơ sở pháp lý để Nhà nước, quân đội tập trung nguồn lực xây dựng, bố trí lực lượng bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự, bí mật an toàn, vững chắc, giữ vững thế trận khu vực phòng thủ.

Việc quy định các hoạt động trong phạm vi bảo đảm công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan về công trình quốc phòng và khu quân sự là hết sức cần thiết và phù hợp.

“Việc xác định phạm vi bảo vệ và các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng tham gia về vấn đề này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo Luật được kế thừa, phát triển bổ sung các quy định tại Nghị định số 04/CP của Chính phủ của Chính phủ về quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm tính bao quát các công trình quốc phòng và khu quân sự, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại nhóm.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhận định, việc giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự cũng phù hợp với tính đặc thù và đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát về cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, phù hợp, bao quát được các công trình quốc phòng và khu quân sự để thống nhất với các quy định của dự thảo luật và làm rõ chủ thể có thẩm quyền trong việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự.

Quy định cụ thể hơn về việc xác định phạm vi bảo vệ, xử lý công trình và kiến trúc, quản lý sử dụng đất mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Rà soát, đánh giá các quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó có những chính sách ưu đãi cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thống nhất giữa các lực lượng…

Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết bằng quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật để thực hiện thống nhất, nhằm nâng cao tính khả thi trong thực tiễn khi luật được thông qua và có hiệu lực, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ hướng dẫn áp dụng luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hoạt động quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định trong dự thảo Luật với các quy định của các pháp luật có liên quan.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...