Một trong các nguyên nhân dẫn tới việc khiếu nại, tố cáo kéo dài là do các cơ quan có sai nhưng không muốn ... sửa.
Đi kiện bở hơi tai
Ngày 29/6/2004 UBND quận 2, TP HCM ra Quyết định số 4112 thu hồi 1.565 m2 đất của gia đình ông Phạm Văn Do để thực hiện dự án đại lộ Đông - Tây với tổng số tiền đền bù là 967.274.460 đồng. Không đồng ý với phương án đền bù, ông Do khiếu nại nhưng Chủ tịch UBND quận 2 đã bác đơn. Vì vậy, ông Do khởi kiện, yêu cầu TAND quận 2 xét xử hủy các quyết định nêu trên.
Lần xét xử thứ nhất, cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bác yêu cầu khởi kiện của ông Do. Ngày 10/5/2007, Viện trưởng VKSNDTC ra quyết định kháng nghị, yêu cầu xử lại vì các quyết định của UBND quận 2 xâm phạm quyền lợi của ông Phạm Văn Do. VKSNDTC đề nghị Tòa hành chính TANDTC xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm hủy hai bản án, giao về cho TAND quận 2 xét xử lại.
Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa hành chính TANDTC chấp nhận kháng nghị nêu trên, nhưng lại không xét xử theo nội dung đã kháng nghị mà xem xét về thẩm quyền không có trong kháng nghị để quyết định giao Tòa sơ thẩm trả hồ sơ cho đương sự vì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quýêt của Tòa án. Căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm này, ngày 14/9/2007 TAND quận 2 ra Quyết định Đình chỉ số 02/200; Ngày 17/1/2008 TAND TP HCM ra Quyết định Đình chỉ số 23/2008/QĐ-HCPT đình chỉ giải quyết vụ án.
Vì sao một vụ án tưởng rất đơn giản lại kéo dài hơn nửa thập kỷ vẫn chưa có điểm dừng?. Nguyên nhân chính là cán bộ quận 2 không muốn nhận sai và đặc biệt là không chấp nhận để Tòa án thuộc địa bàn của mình... sửa sai. Sự thật của vụ án không có gì phức tạp nếu cơ quan ban hành quyết định hành chính “dũng cảm” nhận sai. Nội dung này đã được Viện trưởng VKSNDTC nhận định trong các quyết định kháng nghị.
Trở lại vụ việc, trong các quyết định của mình, UBND quận 2 cũng thừa nhận ông Do khai phá và sử dụng ổn định khu đất này từ sau 1975 đến ngày thu hồi. Năm 1990, ông Do cho hai người con 600 m2 đất trong khuôn viên để làm nhà ở, cũng chính UBND quận 2 đã cấp chủ quyền nhà. Điều đặc biệt hơn, cũng chung diện tích đất này năm 2003 UBND quận 2 thu hồi của ông Do một phần diện tích thuộc dự án song hành Xa lộ Hà Nội vẫn đền bù là đất ở. Và lạ hơn nữa, Nguyễn Công Duệ, người mua 1000m2 đất của ông Do lại được bồi thường theo giá đất ở, sử dụng trước năm 1993. Cùng vị trí thửa đất và chế độ sử dụng như nhau, gia đình ông Do thì chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp…
Các dự án đầu tư làm đẹp cho thành phố rất được người dân ủng. Tuy nhiên, do quy định pháp luật về thu hồi đất còn kẽ hở nên đã dẫn đến việc áp dụng sai, gây phiền hà cho người dân dẫn đến tình trạng khíêu kiện kéo dài. Liệu rằng sau 5 năm theo hầu Tòa, ông Phạm Văn Do còn có thể tiếp tục theo kiện hay phải để người thừa kế tiếp tục hầu tòa để đòi UBND quận 2 sửa sai?.
Việc công dân khởi kiện quyết định của cơ quan Nhà nước không còn là chuyện lạ và không ít người khởi kiện thất bại, ngay cả khi cơ quan Nhà nước sai. Chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Đạo, Đoàn luật sư Hà Nội về vấn đề này.. - Thưa Luật sư, nhiều người cho rằng, trong các vụ án hành chính, người khởi kiện luôn thua kiện vì chứng cứ và lý lẽ yếu, ông có đồng tình với ý kiến này không? - Đúng là có chuyện đó nhưng không phải là tất cả các vụ việc mà công dân thua kiện đều do họ thiếu chứng cứ, lý lẽ. Trái lại, họ thua do “yếu thế” vì các cơ quan Nhà nước có tâm lý bênh vực lẫn nhau. Đây là điều đáng lo ngại nhất hiện nay. Tình trạng tòa án bênh vực các cơ quan Nhà nước khác khá phổ biến. Họ bênh vực theo nhiều cách, trong đó có cách là “tư vấn” cho người bị kiện hủy quyết định sai luật sau đó thay thế bằng quyết định khác, đã sửa sai. Như thế, người dân chỉ còn cách chào thua. - Việc tham gia của luật sư có làm thay đổi tình trạng trên không, thưa ông? Hiện nay, hầu hết các vụ án hành chính đều có luật sư tham gia. Khi quyết định “kiện quan”, người dân cũng đã ý thức đến vấn đề cần phải củng cố chứng cứ và lý lẽ nên họ tìm đến luật sư. Vì vậy, trong các vụ kiện hành chính hiện nay, tình trạng “chứng cứ yếu” của bên khởi kiện đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc tham gia của luật sư cũng chưa thay đổi được tình trạng “bênh vực nhau” giữa các cơ quan Nhà nước. Việc luật sư tham gia ngay từ khi khiếu nại, càng làm rõ cái sai của quyết định hành chính nhưng khi những quyết định sai phạm đó được tòa “ủng hộ” vì luật sư nói thế hay nói nữa cũng không thể làm cho vụ việc đảo chiều. - Theo ông, để hạn chế hiện tượng “cán bộ quận làm sai, tòa ủng hộ” cần giải pháp nào? - Nhà nước đang thực hiện cải cách tổ chức ngành tòa án để tạo sự độc lập về mặt tổ chức giữa tòa án và UBND các cấp. Đây là giải pháp về lâu dài của Nhà nước, còn trước mắt tôi cho rằng bản thân các công dân và luật sư phải nỗ lực đấu tranh. Trong cơ chế giải quyết các vụ kiện hành chính hiện nay, VKS cũng có vai trò nhất định. Có thể nói, đây là chỗ dựa sau cùng của luật sư và bên khởi kiện. Tuy họ cũng là cơ quan Nhà nước, dễ đứng về phía Ủy ban và tòa án nhưng theo tôi, cần cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để VKS thực hiện vai trò kiểm sát các hoạt động tư pháp, giám sát việc xét xử của tòa án. Như vụ án nêu trên, VKS đã thực hiện rất tốt vai trò này. Xin cảm ơn ông! Xuân Bính (thực hiện) |