Quan họ Phan phải tội quét công đường

 Viện Cơ mật (le Conseil Secret) nhà Nguyễn
Viện Cơ mật (le Conseil Secret) nhà Nguyễn
(PLO) - Cho đến hôm nay, kể từ khi cụ Phan Thanh Giản (1796 - 1867) khuất núi chẵn 150 năm, nhưng hậu thế vẫn còn tranh luận về công- tội của tiền nhân chưa đến hồi kết. 

Có nghiệt ngã lắm chăng khi chưa phân định rạch ròi những đóng góp của họ Phan và những bức bách do tình thế bấy giờ dẫn đến quan Phan phải xuất xử cho hợp tình thế nước nhà. Câu hỏi ấy, vẫn còn đau đáu khôn nguôi…

Mặc cho thiên hạ ghi công hay luận tội, nhưng với người Bến Tre quê cụ Phan và hẳn khắp xứ Nam Bộ, vẫn mặc nhiên ngưỡng vọng về vị quan này, như “Kiến Hòa xưa và nay” cho hay: “Đứng về mặt địa linh nhơn kiệt mà xét thì cụ Phan là người đầy đủ đức tánh tiêu biểu cho hào khí xứ dừa”. Dân quê cụ, suy nghĩ dung dị lắm, mà cũng hợp lẽ lắm. 

Bảng vàng đề tên

Muốn biết tiểu sử của cụ Phan, thiết nghĩ không đâu bằng xem “Chân dung Phan Thanh Giản” của Nguyễn Duy Oanh, viết tường tận về cuộc đời cụ Phan. 

Theo đó, Phan Thanh Giản vốn là con cả trong gia đình có 10 người con (5 trai, 5 gái) của cụ Phan Thanh Ngạn. Họ Phan có tự là Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu Mai Xuyên. Đất Nam Kỳ thời cụ Phan, không phải là đất học như xứ Bắc Hà, thế nên, khoa bảng không thịnh. Riêng với Phan Thanh Giản, theo miêu tả của Nam Xuân Thọ trong chuyên khảo “Phan Thanh Giản (1796 - 1867)”, thì sau khi dùi mài kinh sử, năm Ất Dậu (1825), khoa thi Hương ở trường Gia Định, họ Phan đỗ Cử nhân.

Đến năm Bính Tuất (1826) thi Hội tại Huế, bảng tiến sĩ đề tên. Khoa thi Hội năm ấy lấy 10 người đỗ tiến sĩ, Nam Kỳ duy nhất đề danh Phan Thanh Giản, “Xem thế thì đủ biết công phu học tập của Thanh Giản rất già dặn và nhiều cố gắng đến bậc nào”. 

Dù làm quan, có bổng cao lộc hậu, nhưng đời cụ Phan xem ra cũng thanh bạch lắm “lúc ra làm quan, ông vẫn giữ nếp sống thanh bạch cũ, lại thích đọc sách và chuộng đạo lý”. Điều ấy, hẳn như “Việt Nam danh tướng yếu mục” cho biết xuất thân hàn vi của cụ. Thế nên, dù làm quan trải ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, mà vị tiến sĩ đất Nam Kỳ một lòng khảng khái, một dạ thờ vua, làm quan thì thanh liêm chính trực, lại có hiếu với cha mẹ. Thế nên “tiếng thơm bay muôn thuở” là vậy. Còn riêng cụ Phan, từng tự sự qua “Lương Khê thi thảo”:

“Ta sinh ra vốn nhà nghèo,

Lòng mến ưa cổ đạo.

Đèn sách công mười năm,

Không chí ở cơm áo.

Tú mú học một mình,

Hiểu biết chỉ lỗ mỗ”.

Phan Thanh Giản
Phan Thanh Giản

Phỉ chí công danh

Trong đời làm quan trải 41 năm của Phan Thanh Giản, kinh qua nhiều nấc thang lên xuống khác nhau. Theo “Cuộc đời hoạt động của Phan Thanh Giản” in nơi tập san “Sử Địa” số đặc khảo về Phan Thanh Giản thì giai đoạn 1826 – 1859, hoạn lộ của ông gập ghềnh, nhiều lần bị cách giáng, nhưng bởi lòng nhiệt thành, dần dần họ Phan khẳng định được vị thế trong triều Nguyễn. 

Bước chân vào quan trường, ban đầu ngồi chức Hàn lâm viện biên tu vào năm Bính Tuất (1826), rồi sang Lang trung Hình bộ, Tham hiệp ở đất Quảng Bình. Sau đó, ông làm Phủ doãn Thừa Thiên, rồi Thị lang bộ Lễ, làm việc tại Nội các. Tiếp theo lại ra Quảng Bình làm Hiệp trấn, rồi chuyển vào đất Quảng Nam… Năm Ất Mùi (1835), ông làm Kinh lược Trấn Tây, rồi Bố chánh Quảng Nam… Nhìn chung, dấu chân quan Phan lưu hầu khắp ba miền Tổ quốc.

Cũng bởi có tài, nên ông từng được sung vào sứ bộ sang Hạ Châu năm Nhâm Thìn (1832), tiếp năm sau làm Phó sứ sang Thanh. Bước sang thời Thiệu Trị ông được thăng làm Thị lang bộ Binh, rồi lên Tham tri bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần. Vốn là người ngay thẳng, ông không ngại ngần trực ngôn, dâng sớ can vua, được Thiệu Trị khen ngợi là lời nói phải. 

Thời vua Tự Đức, ông làm Thượng thư bộ Lại năm Mậu Thân (1848), Giảng quan tòa Kinh Diên năm Kỷ Dậu (1849). Khi mấy tỉnh miền Trung mất mùa, dịch bệnh, ông kinh lược Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, có nhiều biện pháp cứu trợ, được vua khen thưởng. Năm Quý Sửu (1853), ông được thăng hàm Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư bộ Binh… Kể ra, đường công danh của họ Phan, xem “Đại Nam liệt truyện” thì dài lắm. Nhưng ngần ấy cũng cho ta thấy, ông tỏ ra đắc dụng giữa chốn quan trường nhà Nguyễn. Chỉ có điều, dấn thân vào đường chính trị, ranh giới giữa công tội, mong manh như sợi chỉ mỏng. 

Phan Thanh Giản
Phan Thanh Giản

Thẳng ngay nên nỗi mệt mình

Việc ấy, xảy ra thời vua Minh Mạng trị vì. Nguyên do là vào năm Bính Thân (1836), vua thấy đất nước thái bình, bèn định ngự giá đến núi Ngũ Hành xứ Quảng. Biết việc ấy, lúc này đương làm Bố chính Quảng Nam, hộ lý Tuần phủ quan phòng, quan Phan dâng sớ can, đại ý nói vua đi kinh lý là việc tốt, dân vui. Nhưng vì vùng Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên đang hạn hán làm cho đời sống khó khăn, mà dịch bệnh lại phát. Vua đi kinh lý các khoản chi sẽ phát sinh, nên đình việc ấy lại đợi khi trời đất thuận hòa, mùa màng dân no ấm. Đọc sớ ấy, vua không nghe, vẫn ngự giá kinh lý.

Khi ngự giá đến Quảng Nam, Phan Thanh Giản quỳ gối trước ngự giá cản vua. Quan viên rất bất bình việc ấy. Vua không bằng lòng, cho là ông mượn lời Mạnh Kha xưa để chỉ trích, chê bai mà can gián vua. Nhưng rồi, việc tuần thú cũng đình lại, vua trở về triều, sai quan Ngự sử Võ Duy Tân đến Quảng Nam xem xét thực hư. Khốn nỗi, Võ Ngự sử lại là kẻ không ngay thẳng như chức vị yêu cầu phải thế.

Sau khi đến Quảng về, Võ Duy Tân xảo trá, tâu với vua rằng “Nhân dân ai cũng trông vua ngự đến. Việc trong tỉnh trễ nãi. Quan lại làm nhiều công việc nhũng tệ”. Thế là sẵn không vui việc can gián của Phan Thanh Giản, vua Minh Mạng liền “giáng chức Phan Thanh Giản làm Lục phẩm lo việc quét dọn bàn ghế tại công đường tỉnh Quảng Nam”.

Đương làm quan to, cai quản cả cái tỉnh Quảng, giờ đây bị cách tuột chức tước, lại phải quét dọn như một kẻ giúp việc nơi công đường, vốn là chốn trước đó mình ngồi quyết việc, với sĩ khí của sĩ phu, điều ấy đụng chạm to lớn đến lòng tự trọng lắm. Ấy nhưng quan Phan hành xử ra sao? Ông không buồn, vẫn làm tròn việc. Mỗi khi quan viên trong tỉnh hội họp, ông lo quét dọn bàn ghế sạch sẽ. Khi quan xử kiện, ông khoanh tay đứng hầu.

Các quan thấy thế không tiện, mới nói với ông: “Xin quan lớn tìm chỗ ngồi. Nếu quan lớn hầu hạ chúng tôi như thế, chúng tôi làm sao ngồi yên được để làm việc”. Nhưng ông điềm nhiên đáp: “Xin các ông cứ làm tròn bổn phận công vụ các ông. Riêng tôi, vua phán sao, tôi phải nghe vậy”. Thế mới thấy, đức nhẫn của ông đến dường nào. 

Ấy thế mà, việc đã xong đâu. Sau lần ấy, hai tháng sau ông được làm Nội các thừa chỉ, rồi Thị lang. Thế rồi năm Mậu Tuất (1838), ông làm Kinh lược ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh xét việc duyệt binh. Khi về triều, có quan địa phương gửi sớ về Hộ bộ, vua đã châu phê, gặp phiên ông trực ở Nội các, nhưng sơ ý không kiểm soát nên tờ sớ ấy không đóng ấn vua. Vua giận, giáng chức ông làm Lang trung biện lý hộ vụ, coi việc khai thác mỏ vàng ở Chiên Đàn, rồi sau lên Thái Nguyên coi việc khai mỏ bạc. Dầu cực nhọc mặc lòng, ông vẫn làm trọn phận sự, không ca thán. 

Nhưng có lẽ, cái án phẩm bình của hậu thế với ông là nặng nhất, như “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945)” cho biết, ấy là khi vì an nguy của dân, ông mở cửa thành Vĩnh Long cho Pháp, để đến nỗi sau phải tự tận bằng thuốc độc, còn công luận thì phê phán là “Phan - Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đau đớn thay…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.