Quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác tiến triển tốt đẹp

Hình ảnh tại Hội nghị ASEAN+3.
Hình ảnh tại Hội nghị ASEAN+3.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 13/7, trong khuôn khổ AMM-56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp tục dự các Hội nghị ASEAN+1 với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Canada và Hội nghị ASEAN+3, trọng tâm chính là kiểm điểm hợp tác và định hướng thời gian tới.

Tại các Hội nghị, các Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, nhiều kết quả tích cực đạt được trên hầu khắp các lĩnh vực.

Các bên tích cực khai thác tiềm năng và cơ hội hợp tác mới, góp phần đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Các đối tác khẳng định coi trọng ASEAN, ủng hộ ASEAN đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cùng xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và hoạt động dựa trên luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc.

Phát biểu thay mặt ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn điểm lại kết quả hợp tác đạt được trên tất cả các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân.

Bộ trưởng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định, nhất là ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, làm sâu sắc hợp tác kinh tế vì thịnh vượng và đẩy mạnh hợp tác vì người dân, hướng tới tương lai bền vững.

Nhân dịp này, Bộ trưởng thông báo Việt Nam sẽ tổ chức Ngày ASEAN-Hàn Quốc vào cuối năm nay tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.

ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc công bố đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc, đánh giá cao sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc.

Hàn Quốc cho biết đang triển khai cam kết tăng gấp đôi đóng góp Quỹ Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc lên 32 triệu USD đến 2027, đồng thời dành hơn 200 triệu USD cho các dự án hợp tác chung.

Các Bộ trưởng đề cao ý nghĩa của dấu mốc 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, hoan nghênh đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN với Nhật Bản nhân dịp này.

Hai bên nhất trí sẽ làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác, nhất là thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng mới như đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. ASEAN đánh giá cao Nhật Bản dành khoản vay tài chính 3,34 tỷ USD hỗ trợ nỗ lực phục hồi sau đại dịch, đóng góp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản.

Các nước hoan nghênh thành công của Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU tháng 12/2022. Hội nghị đã định hướng và tạo đà cho những bước phát triển mới trong tương lai.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác, trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại và khai thác các lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế số, công nghệ xanh, dịch vụ xanh, đồng thời khẳng định hướng đến mục tiêu Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-EU trong dài hạn.

ASEAN hoan nghênh EU dành gói đầu tư Team Europe trị giá khoảng 10 tỷ Euro đến năm 2027, hỗ trợ các nỗ lực hội nhập, nâng cao năng lực và phát triển bền vững trong khu vực.

Tại Hội nghị của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), các Bộ trưởng nhấn mạnh cần duy trì và phát huy thế mạnh vốn có ASEAN+3 như hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, phòng chống và ứng phó dịch bệnh.

Các Bộ trưởng cũng cho rằng cần mở rộng ưu tiên hợp tác mới để giải quyết hiệu quả các khó khăn, thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.

Theo đó, các nước nhất trí tăng cường các cơ chế ổn định kinh tế, tài chính hiện có, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, triển khai hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 …

Các Bộ trưởng đánh giá cao quan hệ đối thoại ASEAN-Anh mới được thành lập. Các nước nhất trí sẽ triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2022-2026, đồng thời nhấn mạnh cần phối hợp làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng bao trùm.

ASEAN đánh giá cao việc Anh đề xuất các chương trình hợp tác trọng điểm trị giá 113 triệu bảng Anh trong 5 năm tới về hội nhập kinh tế khu vực, y tế, giáo dục, phụ nữ, hòa bình, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu…

Với Canada, các nước cam kết phối hợp triển khai Tuyên bố chung của các Lãnh đạo kỷ niệm 45 năm quan hệ, hướng tới việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Canada.

ASEAN hoan nghênh Canada cam kết hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng, thiết lập Quỹ tín thác trị giá 13,1 triệu CAD, và dành học bổng đào tạo cho ASEAN. Các Bộ trưởng nhấn mạnh hai bên cần phối hợp khai thác hiệu quả các dư địa hợp tác, đưa quan hệ phát triển năng động và thực chất hơn nữa.

Phát biểu trong các Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh các chương trình, kế hoạch hành động giữa ASEAN với các Đối tác tiếp tục được triển khai hiệu quả, với nhiều đề xuất, sáng kiến thiết thực, phù hợp với quan tâm chung của các nước. Bộ trưởng đề nghị phối hợp đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi bao trùm, thúc đẩy động lực tăng trưởng, ưu tiên hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Chia sẻ ý kiến của các nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao cam kết của các Đối tác ủng hộ vai trò dẫn dắt của ASEAN trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin trong khu vực.

Bộ trưởng đề nghị các Đối tác ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, đề cao ý nghĩa của DOC, hỗ trợ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Ngày 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nhân dịp tham dự AMM-56 tại Jakarta, Indonesia.

Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng nhất trí, để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023), hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và giao lưu giữa các địa phương và người dân nhằm vun đắp sự tin cậy và mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Hai bên cũng nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản (tháng 5/2023), đặc biệt là đẩy nhanh việc triển khai viện trợ phát triển (ODA) thế hệ mới mà Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận các gói hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao và chuyển đổi năng lượng, đơn giản hóa việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.