Hai yếu tố để xây dựng quân đội hiện đại
Bên lề Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã chia sẻ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), xây dựng Quân đội, quốc phòng và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, trong tổng thể các thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại và quốc phòng - an ninh (QPAN), một trong những trụ cột, điểm nổi bật chính là thành tựu về Đảng lãnh đạo nhiệm vụ BVTQ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) trong thời kỳ mới.
Trong 5 năm qua, cùng với việc lãnh đạo đồng bộ, toàn diện đất nước, Đảng ta, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãnh đạo nhiệm vụ BVTQ, xây dựng quốc phòng. Tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới về nhiệm vụ BVTQ, chúng ta đã tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Đặc biệt, Chiến lược về BVTQ trong tình hình mới được xây dựng, hoàn thiện thêm.
Đối với các chiến lược về quốc phòng, quân sự, chiến lược về bảo mật, BVTQ trên không gian mạng và về hệ thống pháp luật, chúng ta đã xây dựng được một số luật và đang tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các luật liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. “Đây là những minh chứng cho thấy sự kế thừa những quan điểm đổi mới về Đảng lãnh đạo nhiệm vụ BVTQ và xây dựng nền QPTD trong tình hình mới”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phát huy kết quả, thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII, phần phương hướng trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục thể hiện sự kiên định kế thừa và những đổi mới trong nhiệm vụ BVTQ, xây dựng nền QPTD.
Nhiều quan điểm mới về chiến lược quân sự, quốc phòng được tiếp tục cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng, như chủ động ngăn ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa, giữ vững mục tiêu BVTQ, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ nhân dân; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tiếp tục phát triển đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang (LLVT) và Quân đội nói riêng là nòng cốt.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu.
Trước hết, đã phấn đấu thực hiện tốt 3 chức năng của quân đội: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ cùng cả hệ thống chính trị đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch để nhân dân có một mùa Xuân thật tươi vui, ấm áp; để Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Chúng ta hướng về đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, với biên giới, biển đảo.
Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch và định hướng về việc triển khai thực hiện, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống.
Phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định phải xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó, một số lực lượng, quân binh chủng tiến lên hiện đại, làm nền tảng để đến năm 2030 xây dựng lực lượng Quân đội hiện đại.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, muốn xây dựng quân đội hiện đại cần có nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí trang bị. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người trước, súng sau” được đặt ở vị trí rất quan trọng trong chiến lược quốc phòng thời kỳ mới. Gần đây, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến làm việc với Đảng bộ Quân đội và toàn quân cũng nhấn mạnh “trước hết là hiện đại hóa về con người”.
Theo đó, về mặt chính trị, Quân đội tiếp tục tập trung xây dựng tiêu chí, chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới bao gồm 5 yếu tố cơ bản: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng; ý chí quyết chiến, quyết thắng trong học tập, công tác, lao động sản xuất; gắn bó máu thịt với nhân dân; có tinh thần quốc tế vô sản, trong sáng trong thời kỳ mới.
Hiện Việt Nam đã tự sản xuất được một số vũ khí, trang bị để đáp ứng yêu cầu chiến đấu BVTQ trong tình hình mới, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để Quân đội đủ sức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BVTQ theo các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Bảo đảm “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Những thành tựu qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là kết quả nhiệm kỳ Đại hội XII mà chúng ta đã đạt được là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; tạo tiền đề, khí thế để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào Đại hội XIII của Đảng. Đó là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trong những thành tựu đó có phần đóng góp rất quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, một nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; nhằm nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, tạo “sức đề kháng” vững chắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Với ý nghĩa tầm quan trọng nêu trên, trong hầu hết các văn kiện của Đảng đều đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trước đây chúng ta thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, Thông báo Kết luận số 94-TB/TW ngày 30/12/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về nhiệm vụ tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
Từ năm 2018 chúng ta thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kết hợp “xây” và “chống”; chủ động kiện toàn, xây dựng tổ chức, lực lượng; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, internet, mạng xã hội, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các thiết chế văn hóa cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền khẳng định thành tựu của Đảng, Nhà nước, dân tộc; kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, pháp luật, kỹ thuật, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội; chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; qua đó đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT, góp phần giữ vững sự ổn định để phát triển đất nước.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, những năm tới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, BVTQ trong tình hình mới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về truyền thống văn hóa, thành quả cách mạng của Đảng, dân tộc; thành tựu 35 năm đổi mới, qua đó tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng; những định hướng lớn, đột phá trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Chủ động nhận diện bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam trên không gian mạng; dự báo đúng tình hình, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, tạo niềm tin, sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT.
Hai là, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh “mẫu mực, tiêu biểu”, phát huy sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, lực lượng; xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân trên không gian mạng”, tạo thế chủ động tiến công liên hoàn, vững chắc trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận.
Ba là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của các cấp ủy, cán bộ chủ trì trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; trọng tâm là bảo vệ cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với tiếp tục đẩy mạnh việc chỉnh đốn Đảng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hòa chung với niềm vui của cả nước, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội cũng luôn là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà Đảng và nhân dân đã trao tặng.