Trên khu đất đã được làm nhà tôn tạm mà UBND xã Tân Thạnh Đông cho biết là chốt văn phòng ấp 3A. |
Người cháu được thừa kế căn nhà tình thương
Theo hồ sơ, bà Lê Thị Cừ là hộ nghèo, sống độc thân và thờ cúng liệt sĩ Đinh Văn Khe (ông Khe là anh cùng mẹ khác cha với bà Cừ, hi sinh năm 1949, thời kỳ chống Pháp - NV) nên năm 1998, bà Cừ được UBND huyện Củ Chi cấp nhà tình thương tại ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông. Thửa đất có thông tin là số 48, 49, 50 tờ bản đồ 40, xã Tân Thạnh Đông, diện tích 87,1m2 (tài liệu bản đồ địa chính năm 2003). Tại Quyết định cấp nhà tình thương số 402 ngày 26/10/1998, bà Cừ được “trọn quyền sở hữu căn nhà”.
Bà Cừ là cô ruột của ông Hùng và được ông Hùng chăm sóc nên ngày 3/4/2003 bà lập di chúc để lại căn nhà nêu trên cho ông Hùng, kèm theo là họa đồ tay khu đất. Di chúc có 2 người làm chứng và được Ban nhân dân ấp 3A xác nhận. Theo người cháu, căn nhà trên xây dựng trên đất của bà Cừ.
“Sau khi cô Cừ mất, tôi là người trực tiếp quản lý, sử dụng căn nhà trên để thờ cúng cô Cừ và liệt sĩ Đinh Văn Khe. Năm 2014, căn nhà xuống cấp nên sập. Lúc đó, trưởng ấp 3A yêu cầu tôi dọn dẹp đồ đạc, trả lại đất để làm trạm thu mua sữa bò nhưng tôi không đồng ý. Năm 2014 và 2018, tôi có làm đơn xin khôi phục lại căn nhà để thờ cúng liệt sĩ Đinh Văn Khe nhưng không được tiếp nhận”, ông Hùng phản ánh.
Theo ông Hùng, thời điểm 2024, trên đất chỉ còn 3 cột xi măng, nền gạch. Do đi làm ăn ở xa, ngày 22/5/2024, ông Hùng nhận được tin báo của những người xung quanh cho biết địa phương đã san lấp mặt bằng, phá bỏ 3 cây cột xi măng. Đến tháng 7/2024, trên đất xây dựng một căn nhà móng gạch, vách tôn, mái tôn, nền xi măng.
Ngày 21/6/2024, UBND xã có Văn bản 990/UBND trả lời phản ánh của ông Hùng. UBND xã cho rằng qua xác minh tại các hộ dân xung quanh, các trưởng ấp, bí thư ấp thời kỳ 1995 đến năm 2003; thì bà Cừ sống một mình, không con cháu và năm 2005 thì qua đời. Thời điểm đó, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mưa gió tốc mái tôn... Đến năm 2006 thì căn nhà sập hoàn toàn, một số hộ dân đến dọn dẹp và trồng một số cây ngắn ngày. Do đó, việc ông Hùng phản ánh UBND xã tháo dỡ nhà cửa là không có.
Theo UBND xã, diện tích đất nêu trên là đất công, thuộc sân vận động ấp 3A nên UBND xã xây dựng tạm chốt văn phòng ấp 3A để phục vụ lợi ích công cộng.
Thanh tra huyện đã tiếp nhận phản ánh
Về phía ông Hùng thì không đồng ý, cho rằng bà Cừ đã được cấp nhà từ năm 1998, việc cấp nhà thì phải đi đôi với quyền sử dụng đất. “Tôi không đồng ý với quan điểm UBND xã cho rằng đó là đất công”, ông Hùng nói.
Bà Cừ được UBND huyện Củ Chi cấp nhà tình thương vào năm 1998. (Ảnh trong bài: Lương Hổ) |
Ngày 6/8, Thanh tra huyện Củ Chi đã làm việc, ghi nhận nội dung phản ánh của ông Hùng và báo cáo Chủ tịch UBND huyện xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định.
LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) cho biết: Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 132 Luật Đất đai 2013 thì đất công ích được phép dùng xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa. Theo điểm c khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì khi có giấy tờ giao nhà tình nghĩa, giao nhà tình thương gắn liền với đất và sử dụng ổn định thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Theo tôi, bà Cừ có quyết định cấp nhà tình thương và sử dụng đất ổn định nên đủ điều kiện được cấp sổ. Bà Cừ để lại di chúc cho ông Hùng nên ông Hùng có quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”.
“Tôi cho rằng chính quyền địa phương muốn lấy đất của bà Cừ để thực hiện xây dựng công trình công ích thì cần ra quyết định thu hồi, bồi thường và hỗ trợ. Thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi, bồi thường và hỗ trợ từ cấp huyện trở lên” LS Tuấn nói.
Ngày 19/7, PV PLVN đã đến và để lại nội dung liên quan đến quá trình thu hồi đất, căn nhà của bà Cừ. Do không nhận được phản hồi nên ngày 5/8, PV quay lại nhưng đại diện UBND xã Tân Thạnh Đông cho rằng vẫn đang rà soát hồ sơ.