Các nghi án về phí “bôi trơn” hay hối lộ gần đây trong các công trình đầu tư không còn là mới. Thậm chí, cái mô hình “bị phanh phui chỉ khi nước ngoài phát hiện trước” vẫn lặp lại. Nếu kết quả điều tra tại Việt Nam đúng như những gì cơ quan Nhật Bản điều tra và luận tội lãnh đạo doanh nghiệp tại Nhật, thì lại một kịch bản nữa mang tên “Huỳnh Ngọc Sỹ”.
Nợ công sẽ còn nặng hơn
Về mặt lí thuyết, hành vi hối lộ hay bôi trơn các quan chức dường như không dính líu gì đến nợ công. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, mọi chuyện sẽ không đơn thuần là “quan dám làm dám chịu”. Rất nhiều các công trình nghiên cứu chỉ ra sự “ma mãnh” trong việc gian lận, “ăn chia” lợi ích của công trình, mà hậu quả là “túi tiền quốc gia” phải chịu.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra để làm rõ quan hệ “bôi trơn” và “nợ công”, chính là “tiền bôi trơn ai chịu?”. Trong mối quan hệ mua bán, tiền thuế giá trị gia tăng (là tiền phát sinh) có khi do người bán chịu (hàng cạnh tranh cao), có khi do người mua phải chịu (hàng độc quyền), có khi cả hai cùng chia nhau theo một tỉ lệ giúp cân bằng cung cầu trong thị trường.
Đối với phí “bôi trơn” cũng tương tự, khi người bán (là doanh nghiệp xây dựng, là quan chức nhận hối lộ) nắm giữ luật chơi, thậm chí là độc quyền về luật chơi (bao gồm việc nắm giữ kế hoạch, đấu thầu, dự toán kinh phí, mua nguyên liệu, xây dựng, giám sát, thẩm định, quản lí…) thì không dại gì mà doanh nghiệp chịu lỗ, càng không phải quan chức tự bỏ tiền túi mà hối lộ cho mình. Thay vào đó, họ “có quyền” áp đặt cái “thuế” mang tên “bôi trơn” ấy cho phía người mua – chính là dân.
Vậy họ sẽ áp đặt việc “chịu phí bôi trơn” lên vai người dân bằng cách nào? Trong kinh doanh, người bán độc quyền có sức mạnh “anh phải mua, anh không mua thì còn người khác, nhưng anh sẽ không có lựa chọn số 2”. Trong vụ “bôi trơn” cũng không khác gì cho lắm, cả phía doanh nghiệp lẫn quan chức lãnh đạo “nhận hối lộ” sẽ ngầm đưa ra các động thái mà dân dù có thấy thì “cũng chịu”. Bởi lẽ, thông tin về dự án chỉ có quan và doanh nghiệp biết, chứ dân thì chỉ đi làm ngoài đồng để… đóng thuế.
Ví dụ, nếu cả hai thống nhất với nhau thì việc tự ý kê cao giá trị đầu tư là không khó. Thông qua các thủ thuật mang tính kỹ thuật, cả hai đưa ra được hàng ngàn lí do để tăng giá trị đầu tư, bao gồm kết cấu kỹ thuật thay đổi, các phương án tối ưu… Đó là chưa kể, nhiều dạng dự án được ký kết theo kiểu được thêm chi phí theo đề xuất và phê duyệt, thì giá thị trường, lạm phát, giá vật liệu… sẽ là các lí do để nhà đầu tư và cơ quan quản lí sử dụng để tăng kinh phí dự án. Thực tế, các dự án “trùm mền” chờ cấp thêm kinh phí không phải là khó kiếm.
Khi các dự án “quan tham” diễn ra, ngân sách phải rót vào, nghĩa là tiền vay như “gió qua cửa”. Đáng nói hơn, các dự án công thường quy mô lớn, có khi lên tới triệu đô, thử hỏi nợ công làm sao giảm nếu quan tham và doanh nghiệp vẫn bắt tay nhau “bôi trơn” dự án như thế.
Chất lượng công trình “lãnh đủ”
Ngoài việc kê đủ kiểu để hợp pháp hóa và có tiền ăn chia, thì thủ đoạn phổ biến khác khi quan và doanh nghiệp bắt tay nhau chính là ép chất lượng công trình. Câu chuyện này làm người viết nhớ về các trường hợp nhà thầu Trung Quốc, với các công trình tại các nước lẫn công trình tại nước này. Trung Quốc nổi tiếng với thầu giá rẻ, và dường như rẻ nhất thế giới. Để làm được điều này, họ áp dụng nguyên tắc “thay thế vật liệu”. Nghĩa là, cùng một chức năng hay bộ phận của công trình, thay vì dùng vật liệu A có chất lượng thì họ dùng “hàng giả” vật liệu A, chất lượng kém hơn.
Mặt khác, họ còn dùng chiêu “rút ruột”, với lượng cắt giảm vật liệu rất nhỏ, khó phát hiện. Điển hình như các công trình về đường sá, cầu cống, trường học… Việc doanh nghiệp rút ruột, quan chức kiểm định chất lượng (vốn ăn hối lộ) thì khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thế nên mới có vụ cầu sập, trường học kém chất lượng, đường sá triệu đô mà vẫn xuống cấp… Với những công trình quy mô lớn thì các khoảng rút ruột tuy nhỏ, nhưng “góp gió thành bão”, lượng tiền thu về là khổng lồ.
Một trò phổ biến nữa là doanh nghiệp “ép nhân công”, bao gồm: tăng giờ làm, tăng cường độ công việc, giảm các ưu đãi lao động, giảm lương… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân sợ bị mất việc, nên mỗi người thường “nhịn một chút, và cố sức hơn một chút”. Kết quả là hàng trăm, hàng ngàn người trong các công trình lớn “góp gạo” nuôi doanh nghiệp và nuôi quan.