Sau 3 tháng tích cực điều tra, cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố) vừa có kết luận về vụ án Vũ Huy Tưởng cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Với những thủ đoạn khá đơn giản, trong một thời gian ngắn Vũ Huy Tưởng cùng đồng bọn đã sản xuất, tung ra “thị trường” hàng chục bằng giả của các trường đại học cao đẳng, THCN, THPT.
Phương tiện mà các đối tượng dùng làm bằng giả |
Đường dây sản xuất, cung cấp hàng chục bằng cấp giả
Theo tài liệu điều tra, trước năm 2008, Vũ Huy Tưởng, sinh năm 1973 ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương làm bảo vệ tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng. Nắm được tâm lý nhiều người muốn có bằng mà không phải đi học, Tưởng nảy ý định làm giả các văn bằng, chứng chỉ để kiếm lời. Cũng trong thời gian này, Tưởng quen Mai Thị Hương Giang, sinh năm 1976 ở số 13 thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương. Biết Giang có thể sử dụng phần mềm Adobe Photoshop (phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy tính), Tưởng bàn với Giang cùng làm giả các văn bằng. Sau khi thống nhất “hợp tác làm ăn”, Tưởng đi thu gom, tìm kiếm mua văn bằng tốt nghiệp thật ở các hiệu cầm đồ, thuê scan các mẫu văn bằng, chứng chỉ vào USB.
Nhận những “chất liệu thô” từ Tưởng, Giang dùng máy vi tính và máy in màu của mình chỉnh sửa, tẩy xóa, thêm bớt chi tiết theo đúng yêu cầu của khách hàng hoặc tẩy xóa toàn bộ thông tin trên bằng thật để có phôi khống, đồng thời in ra thành phôi mặt trước chuyển cho Tưởng. Vũ Huy Tưởng tiếp tục hoàn thiện các công đoạn bằng cách bóc mặt sau bằng thật dán vào mặt trước bằng làm giả, giả mạo chữ ký, viết thông tin viết tay, dán ảnh của khách hàng. Tưởng dùng bút bi hết mực khoanh theo nắp chai nhựa Lavie tạo hình dấu nổi dựa trên kích thước dấu tròn đỏ trên tài liệu thật. Sau khi hoàn thành các công đoạn, Tưởng đem bằng giả đi ép plastic rồi bán cho khách.
Mặc dù khá “khéo tay” nhưng những hình dấu đóng trên văn bằng giả của Tưởng không giống như thật. Theo Tưởng khai, cuối năm 2008 có 1 thanh niên không rõ lai lịch nhờ Tưởng làm 1 bằng tốt nghiệp THPT. Khi Tưởng đưa bằng giả cho người này, anh ta chê bằng giả của Tưởng phần đóng dấu màu sắc không thật đồng thời đưa cho Tưởng xem dấu anh ta in lưới và gạ Tưởng thuê anh ta in. Thấy chất lượng dấu của người thanh niên này tốt hơn, Tưởng nhiều lần thuê in dấu tròn giả lên một số phôi tài liệu bằng cấp, làm các bản phô-tô công chứng giả bằng phương pháp in lưới.
Ngoài việc trực tiếp nhận đơn đặt hàng từ khách, Tưởng còn giao cho Vũ Xuân Cường, sinh năm 1971 ở số 4/8/81 phố Phạm Hữu Điều, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân (em rể của Tưởng) nhiệm vụ đi nhận các đơn đặt hàng làm giả, ảnh, thông tin của khách, thu tiền từ các đối tượng môi giới về đưa cho Tưởng làm giả đồng thời giao “hàng”.
Để mở rộng quy mô làm ăn, Tưởng, Cường thông qua Vũ Xuân Thú, sinh năm 1965 ở Phú Xuân, Cấp Tiến và Lê Văn Cháng, sinh năm 1980 ở khu 4 thị trấn Tiên Lãng, cùng huyện Tiên Lãng để nhận các đơn đặt hàng. Thú mua của Tưởng 15 bằng giả để bán cho khách trong đó có 12 bằng giả cơ quan điều tra chưa thu giữ được. Lê Văn Cháng vốn là giáo viên dạy ngoại ngữ ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng. Do làm cùng cơ quan với Tưởng, biết Tưởng làm giả các văn bằng, chứng chỉ, Cháng đã 4 lần mua các văn bằng, chứng chỉ giả để bán cho Trần Văn Hải, sinh năm 1956 ở Quán Rẽ, Mỹ Đức, huyện An Lão. Trần Văn Hải tiếp tục móc nối với Đỗ Thị Thắm, sinh năm 1976 ở cùng quê với Hải và Đào Thúy Hằng, sinh năm 1983 ở tổ 7, khu Khúc Trì 2, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An để tiêu thụ bằng giả.
Với những thủ đoạn nói trên, Vũ Huy Tưởng cùng đồng bọn đã sản xuất, tiêu thụ hàng chục bằng giả mang tên nhiều trường đại học, cao đẳng, THCN như: đại học Hàng hải Việt
Số bằng giả mà nhóm Vũ Huy Tưởng sản xuất |
Hậu quả khó lường
Vụ án Vũ Huy Tưởng cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức chỉ là một trong hàng chục vụ án trong lĩnh vực này mà cơ quan công an khám phá trong thời gian gần đây. Chỉ riêng trong vụ án này, vẫn còn một số bằng giả mà nhóm của Tưởng bán ra, cơ quan công an chưa tìm được người mua. Tất nhiên những người bỏ ra một số tiền lớn để mua bằng giả về không phải để …chơi. Liệu những bằng giả này có nằm trong hồ sơ cán bộ, công nhân viên chức của một số cơ quan, doanh nghiệp?
Chỉ với vài triệu đồng, một kẻ “vừa lười vừa dốt” đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, để rồi bằng một con đường nào đó vào làm việc tại một cơ quan, doanh nghiệp trong khi những người học thật vẫn phải xếp hàng chờ việc. Cơ quan, doanh nghiệp không may tiếp nhận nhầm những người không hề có kiến thức trên vào làm việc sẽ chịu những hậu quả lớn.
Những tấm bằng giả ảnh hưởng lớn tới uy tín của các trường mà nó mạo danh. Một cán bộ Trường đại học Hàng hải bức xúc: “Uy tín của nhà trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi doanh nghiệp tiếp nhận một người mang tấm bằng giả đến xin việc, sau khi được nhận vào làm thì chẳng biết gì vì họ đâu có được đào tạo tại trường”. Để ngăn chặn tình trạng giả mạo văn bằng, chứng chỉ, bên cạnh việc xử lý thích đáng các hành vi sản xuất, tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ giả như trên, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng bằng giả.
Đông Phong