Tín hiệu thành công
Những tấn vải đầu tiên xuất sang Nhật Bản đã được xuất đều đặn. Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, dự kiến năm 2020 sẽ có khoảng 300 tấn vải thiều Lục Ngạn xuất sang Nhật Bản. Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng cho biết, những quả vải u hồng của Việt Nam cũng được bạn bè tại Úc đón nhận. Dự kiến, mỗi tuần sẽ xuất khoảng 18 tấn vải sang thị trường này.
Tín hiệu về quả vải xuất ngoại thành công liên tục được báo về. Mới đây nhất, theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, tính đến giữa tháng 6/2020, gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu (XK) sang Singapore từ cảng Hải Phòng và dự kiến đến hết mùa vải, tổng giá trị XK có thể đạt 100 tấn. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, 2020 là năm đầu tiên người dân Singapore được thưởng thức vải thiều nhập khẩu (NK) trực tiếp từ Việt Nam.
Vải Việt Nam bán tại siêu thị Singapore |
Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, quả vải Việt Nam tại Nhật có giá bán khá cao, lên tới khoảng 200-270.000 đồng/kg và rất được ưa chuộng. Vải đã được chuyển sang Nhật bằng cả đường hàng không và đường biển. Thuận lợi đối với quả vải Việt Nam tại thị trường Singapore cũng tương tự như tại thị trường Nhật. Người dân Singapore cũng đã lựa chọn tiêu dùng vải Việt Nam ngay khi quả vải này xuất hiện ở thị trường Singapore. Giá bán vải tại quốc đảo sư tử rơi vào khoảng 100.000 đồng/kg, tương đương với mức giá quả vải Trung Quốc đang bán tại đây.
Trong bối cảnh Singapore vẫn tiến hành các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, việc triển khai chiến dịch truyền thông để quảng bá trái vải không thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam, để chuẩn bị cho việc đưa trái vải vào thị trường Singapore ổn định trong những năm tiếp theo, Thương vụ đang cùng phía Fair Price rà soát, tổng kết và rút kinh nghiệm.
Dự kiến, trong mùa vải mới, Thương vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Fair Price tổ chức “Ngày vải Việt Nam tại Singapore”. Hiện nay, Thương vụ đang phối hợp với các chuyên gia Singapore để thiết kế tờ rơi bằng tiếng Anh giới thiệu và quảng bá câu chuyện trái vải của Việt Nam.
Nguồn hàng phải đảm bảo chất lượng
Quả vải Việt Nam đã có mặt tại Singapore từ khoảng năm 2018 nhưng chỉ rải rác bán quy mô nhỏ tại các chợ dân sinh ngoài trời của người dân Singapore. Quả vải được để nguyên cuống, không đóng hộp, người mua tự chọn mua chủng loại để xuất sang Singapore.
Tuy nhiên, do bán tại chợ ngoài trời, không qua xử lý, không đảm bảo nhiệt độ tối ưu, đã dẫn đến thực trạng lượng hàng bán chậm, trái vải bị hỏng nhanh, xuống màu, khiến cho các nhà NK nhỏ ngần ngại ký kết hợp đồng cho các mùa vụ tiếp theo.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà NK trái cây lớn của Singapore để thuyết phục phía bạn quan tâm chuyển hướng NK vải chính thức từ Việt Nam. Thương vụ cũng đã kiên trì làm việc với các chuyên gia Singapore, những người nhiều năm tham gia Dự án nâng cao năng lực bảo quản và xử lý trái vải của Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, các nhà NK vải Singapore đã có cái nhìn mới về năng lực xử lý và bảo quản trái vải của Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa trái vải vào hệ thống bán lẻ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam đã liên tục tổ chức các đoàn đưa nhà NK trái cây Singapore về Việt Nam trong 3 năm liền để tìm kiếm các sản phẩm trái cây mới của Việt Nam. Ngay từ đầu mùa vải, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo trực tuyến để quảng bá trái vải Việt Nam và kết nối với doanh nghiệp XK trong nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thương vụ, khó khăn lớn hiện nay là khả năng đảm bảo nguồn cung hàng chất lượng cao cho Singapore. Hiện nay, nguồn vải sang Singapore được xuất từ vùng trồng bằng hệ thống tiêu chuẩn liên kết chuỗi khối OTAS Việt Nam để phục vụ thị trường Nhật Bản. Trong những năm tới, khi nhu cầu của thị trường Nhật Bản lớn hơn, nguồn vải này sẽ không đủ khả năng cung cấp cho Singapore.
Bên cạnh đó, theo đánh giá sơ bộ, khâu đóng gói, xử lý của Việt Nam chưa tốt, dẫn đến việc vải vẫn bị hỏng nhiều khi cập cảng Singapore khiến cho nhà NK phải tiến hành mở từng hộp, phân loại và đóng gói lại, dẫn đến “đội” chi phí.
Cá biệt, vẫn còn những trái vải bị sâu đầu, thậm chí có dòi ở trong. Nếu không làm tốt công tác kiểm dịch dẫn đến việc khách hàng Singapore khiếu nại siêu thị, chắc chắn, cánh cửa của trái vải Việt Nam vào thị trường bền vững sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, hiện nay, các chuyên gia Singapore cùng dự án STAMEQ đang đẩy mạnh triển khai dự án thí điểm chuỗi cung ứng lạnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho trái vải và trái nhãn, hy vọng sẽ khắc phục được những nhược điểm của quả vải Việt Nam.