Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến quả vải thiều Thanh Hà thêm rộng rãi hơn mà còn là cơ hội giúp cho loại quả này vươn xa hơn nữa tới các thị trường khó tính.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đang được xem xét phê duyệt là sản phẩm OCOP 5 sao, được bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng.
Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đang trong giai đoạn thu hoạch, nên tại sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đặc biệt yêu cầu huyện Thanh Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cần tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch và hỗ trợ tiêu thụ vải thiều; tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để các doanh nghiệp, thương lái tới thu mua, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà một cách dễ dàng, thuận tiện.
Các đại biểu cùng bấm nút xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, châu Âu năm 2023. |
Cũng tại sự kiện này, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách”. Theo đó, vụ thu hoạch năm nay cũng sẽ là lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được cung cấp trong suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Ông Dương Tiến Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam cho hay, Công ty rất vui mừng khi được đồng hành quảng bá, giới thiệu đặc sản quả vải Thanh Hà đến với ngày càng nhiều hành khách trong nước và quốc tế. Ông khẳng định, từ nay về sau, doanh nghiệp sẽ quan tâm giới thiệu nhiều hơn các mặt hàng đặc sản của Hải Dương và các địa phương trên các chuyến bay.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Hải Dương năm 2023 ước đạt khoảng 60 nghìn tấn. Riêng vải thiều Thanh Hà ước đạt 40 nghìn tấn. Sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương năm 2023 dự kiến chiếm trên 50%.
Đặc biệt, lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu ngày càng tăng qua các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ…
Trước đó, đại diện một số doanh nghiệp luôn đồng hành cùng người dân trong tiêu thụ vải như Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cũng cho biết, mẫu quả vải thiều Thanh Hà đã được gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, đơn vị kiểm định chất lượng nông sản đã được quốc tế công nhận. Và Trung tâm này đã thông báo kết quả phân tích mẫu quả vải đủ điều kiện xuất khẩu.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà và đại diện một số doanh nghiệp ký kết ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách”. |
Cụ thể, hơn 800 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở cả vỏ quả và thịt quả đều không còn tồn dư hoặc bảo đảm ở ngưỡng cho phép. Các chỉ tiêu được kiểm định theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để vải thiều Thanh Hà có thể xuất khẩu sang các thị trường cao cấp và khó tính như Australia, Anh, Pháp, Nhật Bản...
Được biết, tỉnh Hải Dương có khoảng 8.900 ha trồng vải, trong đó huyện Thanh Hà có trên 3.200 ha. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 111 ha, chủ yếu tập trung ở huyện Thanh Hà với hơn 101 ha.