Vào năm Khải Định thứ ba, ngày 18-9 âm lịch, Bộ Lễ đệ trình lên vua bản tấu, có nội dung rằng: “Nay nhận được tư văn của tỉnh Quảng Nam nói: Hạt đó các tháng 8, 9 hằng năm khi quả nam trân chín vàng, theo lệ có hái đem cung tiến và đã sức hái tiến. Sau đó, căn cứ huyện viên hai huyện Quế Sơn, Đại Lộc bẩm báo, do năm nay gió nam mạnh nên cây đó kết quả rất ít ỏi, nên không có hái nạp, tư xin xem xét”. Sau khi đã xem xét, vua Khải Định có châu phê: “Thể tất cho”.
Vậy, nam trân là quả gì mà hằng năm dân Quảng Nam phải cung tiến cho nhà vua như đoạn trích trên đây từ Mục lục Châu bản Triều Nguyễn, tập III đời vua Khải Định, hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Hà Nội?
Đó là một loại quả rừng, dân gian gọi là trái loòng boong, trong bài hát về đất Quảng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã có nhắc đến: “Em đưa anh đi ăn trái loòng boong, ăn hoài mệt nghỉ...”. Theo “Địa chí Đại Lộc”, thì đây là một loại trái rừng, nhưng chỉ có nhiều ở vùng thượng nguồn sông Vu Gia. Khu rừng loòng boong mọc tập trung nhiều nhất trên một diện tích gần 4km2, nằm bên tả ngạn sông Vu Gia, phía tây Hội Khách (Đại Sơn)...
Trái loòng boong kết thành chùm ở thân cây và ở cành, có chùm đơn, chùm kép – trông đẹp như chùm nho. Trái to bằng hoặc hơn ngón tay cái, hình bầu dục, vỏ mỏng hơn vỏ dâu đất, hơi dai. Ruột loòng boong có năm múi trắng trong, mỗi múi thường có một đến hai hạt. Cây loòng boong cao vài chục mét, nhiều cành, thân trơn, mọc tầng tầng lớp lớp thành rừng, đến mùa trái chín vàng đẹp mắt. Đến mùa thu hoạch, người dân gọi là “ngày xả trái”. Vì thế trong dân gian Quảng Nam có câu phương ngôn “Nhứt trường thi, nhì trường trái”, là để nói về cái không khí náo nức của mùa hái quả loòng boong này.
Vốn là, các vua nhà Nguyễn đã biết về thứ quả đặc sản này ở vùng Quế Sơn, Đại Lộc và đã đặt một chức quan gọi là “Quản nam trân” để canh giữ vùng rừng có cây trái thiên nhiên quý giá này. Viên quan này có quyền huy động dân đinh ba xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh canh giữ vùng rừng nam trân. Đến mùa trái chín, viên Quản nam trân chọn những chùm trái đầu mùa tốt nhất, cho chất vào giỏ để tiến vua, thường thì phải cung tiến từ năm tới mười giỏ một mùa. Tục đó gọi là “chạy trái kiểu”.
Sau khi đã hoàn tất việc cung tiến là đến ngày xả trái. Đó là ngày hội mùa mở ra khắp vùng rừng Đại Lộc, Quế Sơn xưa. Ngày hội này thường được tổ chức hằng năm vào rằm tháng Tám âm lịch. Ngày đó, hàng trăm ghe thuyền ngược sông Vu Gia đến vườn trái chờ mua và hàng ngàn người từ các miền quê như Hà Nha, Hà Tân, Hà Vi, Hà Dục, Hữu Trinh, Hội Khách... tụ tập về với nhiều loại dụng cụ để hái trái.
Sáng sớm, sau khi cúng thần Sơn lâm xong, viên chức giữ vườn đánh ba hồi thanh la báo hiệu ngày hội xả trái bắt đầu. Lập tức, hàng ngàn người tỏa vào các cánh rừng, vườn rừng để hái trái. Người hái được quyền bán trái đã hái cho các thương thuyền chờ sẵn, nhưng phải trích lại khoảng một phần năm số thu được để nộp thuế giữ vườn cho viên Quản nam trân và hương lý ba xã có dân đinh canh giữ vườn rừng. Số trái chín được tập trung hái trong một ngày là ngót, số còn lại thì ai muốn hái cứ tự do vào hái trong các ngày sau đó, không phải nộp thuế giữ vườn rừng nữa.
Ở vùng rừng các huyện Hiên, Giằng, nay là Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang cũng có trái loòng boong, đồng bào Cơtu ở đó cũng tiến hành hái trái và bán lại cho các thương lái buôn nguồn. Tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân, tục lệ “xả trái”, “đi trái” đầy chất dân dã một thời, nay không còn nữa.
Vì sao có tên gọi trái nam trân? Trái loòng boong còn được gọi với nhiều tên khác nhau như bòn bon, phụng quân, nam trân, dâu da... Tên gọi nam trân xuất phát từ một số giai thoại xứ Quảng. Tương truyền, khi tướng nhà Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, Chúa Định Vương phải bỏ chạy vào đất Quảng Nam. Tại đây, lại bị quân Tây Sơn đánh bại nên chúa phải lánh lên vùng núi Đại Lộc, trong lúc đói mệt thì gặp một rừng cây loòng boong, bèn hái mấy trái, lấy móng tay bấm lên vỏ rồi ăn thử. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên là “nam trân”, nghĩa là món ăn quý hiếm ở phương nam. Cũng có truyền thuyết cho rằng người bị quân Tây Sơn truy đuổi và gặp trái loòng boong là Nguyễn Ánh (lúc đó chạy theo Chúa Định Vương vào Quảng Nam). Do đó, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy vương hiệu Gia Long, bèn ban tên “nam trân” cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ. Đến triều Minh Mạng, quy định mỗi mùa trái nam trân chín, Quảng Nam phải cống sáu giỏ. Khi đúc Cửu đỉnh, vua cho khắc quả nam trân lên Nhân đỉnh cùng với một số hình tượng khác như mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, lúa nếp, hoa sen, chim công, cá voi, đồi mồi, cây kỳ nam, cây ngô đồng... LÊ HUỲNH |
Nguyễn Trương Đàn