Cách đây không lâu, một chàng trai đã lên mạng xã hội “tố” bạn gái cũ của mình thông qua câu chuyện và những tin nhắn làm bằng chứng. Anh này cho biết, bạn gái anh là một người ưa vòi quà. Bất cứ ngày lễ lớn nhỏ nào, từ lễ Tình nhân, Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế thiếu nhi Trung thu, Noel… người yêu anh cũng yêu cầu phải có quà tươm tất.
Hưởng thụ là chính và thủ tục không thể thiếu tất nhiên là đăng lên mạng xã hội để khoe khoang mình được yêu chiều ra sao. Những màn đòi quà bất tận như điều kiện của tình yêu đã khiến chàng trai kia bức xúc và quyết định từ bỏ sau 1 năm quen nhau.
Tất nhiên, câu chuyện đòi quà không chỉ ở những cặp đôi yêu nhau. Tôi từng biết, có một chị thường xuyên lên mạng khoe những món quà được chồng tặng nhân các ngày lễ. Chị nhận được biết bao lời khen, chúc mừng, ngưỡng mộ.
Nhưng những người quen của gia đình họ đều biết, mọi thứ đã rạn nứt lâu rồi. Anh có người mới, chị chán nản lao vào các cuộc vui, bỏ bê con cái. Họ chỉ giữ lại cái vỏ của một gia đình hạnh phúc và quà cáp như một thủ tục để đắp vào cái vỏ ấy cho sáng láng. Đằng sau những món quà ấy, chẳng biết lòng chị, lòng anh có thấy chán chường?
Những bông hoa, món quà là điều đẹp đẽ để bày tỏ tình yêu thương, sự trân trọng đến phái đẹp. Nhưng, với điều kiện, phải xuất phát từ sự tự nguyện và tình yêu thương.
Có những chị em, chồng khô khan, không có thói quen bày tỏ, nhưng một mực ép chồng phải “làm điều gì đó lãng mạn” trong những ngày dành cho phụ nữ, thay vì từ tốn giúp chồng hiểu phụ nữ thực sự mong muốn gì trong những ngày này. Thành ra, có không ít quý ông khổ sở nháo nhào tìm hỏi bạn bè, làm gì cho lãng mạn.
Có chị thì lên mạng thấy người ta tặng nhau, về nhà thấy ông chồng mình vô tâm chả biết gì đến hoa quà, hậm hực chì chiết chồng, đá thúng đụng niêu. Nhưng lại quên rằng, cũng đức ông chồng vô tâm ấy, hàng ngày vừa cật lực đi làm kiếm tiền, bao nhiêu thu nhập chạy hết vào tài khoản vợ, sửa điện, sửa nước, đưa đón con, việc gì cũng làm đủ cả.
Không ít ông chồng kể vui, những bó hoa, món quà gần như trở thành một “thủ tục” mà các anh phải “cống nạp” cho “gấu” ở nhà những ngày này. Có cả sự tự nguyện, nhưng cũng có những ông chồng, thực chất coi những chuyện ấy là màu mè, rườm rà, hình thức. Nhưng chiều vợ họ vẫn phải làm.
Căn bản đàn ông và phụ nữ khác nhau về tâm tư, về suy nghĩ rất nhiều. Đàn ông cần thời gian, cần sự giải thích khéo léo từ người phụ nữ để hiểu phụ nữ muốn gì. Tất cả mọi sự “đặt điều kiện” và ép buộc đều khiến họ phản cảm, và sinh ra tác dụng ngược.
Hoa, quà những ngày tôn vinh phụ nữ nên có lắm chứ. Nhưng quan trọng là nó có xuất phát từ trái tim và có đem đến niềm vui cho người nhận thật không? Mục đích cuối cùng của mọi việc, rút lại vẫn là mưu cầu hạnh phúc. Quà tặng chỉ là phương tiện, chứ không phải là minh chứng cho hạnh phúc.
Có lẽ, chỉ khi nào hiểu được điều ấy, nhiều chị em sẽ không còn “xôn xao” với những câu chuyện đòi quà, ngưỡng mộ hay ganh tị lẫn nhau mà bằng lòng hơn với những “món quà” nho nhỏ được bạn đời trao tặng hằng ngày, bằng những chăm sóc, yêu thương.