Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Đồng Thị Kiều Oanh cho biết, tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp 6 huyện; trong đó số lượng ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp do có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 3 huyện (Trà Lĩnh, Phục Hòa, Thông Nông).
Quang cảnh Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng. Ảnh Bộ Nội vụ |
Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp do có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 52 xã; thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích là 5 xã, thị trấn. Như vậy, sau khi sắp xếp, Cao Bằng giảm 3 huyện (còn 9 huyện và 1 thành phố) và giảm 38 xã (còn 8 phường; 14 thị trấn và 139 xã). Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện có liên quan đến phương án sắp xếp là 691 người thuộc 6 ĐVHC cấp huyện và 1.533 người thuộc 76 ĐVHC cấp xã.
Số cán bộ, công chức dôi dư tại 6 huyện là 350 người. Tỉnh sẽ giải quyết nghỉ chế độ tinh giản biên chế, điều động sang các ĐVHC cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; điều động giữ các chức danh chủ chốt cấp xã...
Với cán bộ, công chức cấp xã, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí ở 38 ĐVHC cấp xã mới là 1.171 người. Như vậy, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư giai đoạn 2020-2025 là 362 người. Tỉnh sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu; điều động sang các xã; luân chuyển sang xã còn thiếu biên chế...
Tại Yên Bái, đang xây dựng phương án sắp xếp 1 ĐVHC cấp huyện là thị xã Nghĩa Lộ theo hướng điều chỉnh nguyên trạng 6 xã và 1 thị trấn của huyện Văn Chấn về trực thuộc Nghĩa Lộ. Với phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh thực hiện sắp xếp 8 xã do có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.
Ngoài ra, Yên Bái vẫn còn 9 xã và 1 thị trấn dù có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định nhưng chưa thực hiện sắp xếp. Lý giải việc này, lãnh đạo tỉnh cho hay: các xã, thị trấn này có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách trung tâm các xã cách xa nhau, dân cư phân bố không tập trung. Bên cạnh đó, một số xã có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ các công trình trọng điểm về an ninh, quốc phòng… Nếu sáp nhập thì việc đi lại và sinh hoạt của người dân không thuận tiện, khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã. Do đó, tỉnh đề xuất chưa thực hiện việc sắp xếp đối với 10 ĐVHC cấp xã này trong giai đoạn 2019-2021.
Sau khi thực hiện sắp xếp, số ĐVHC cấp huyện được giữ nguyên; số ĐVHC cấp xã giảm 7 đơn vị. Đồng thời, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 101 người; trong đó có 50 cán bộ và 51 công chức. Với những đối tượng này, tỉnh sẽ giải quyết cho nghỉ hưu đúng tuổi; điều động sang đảm nhiệm các chức danh còn khuyết ở các xã khác hoặc đảm nhiệm các chức danh khác; giải quyết thôi việc theo nguyện vọng; cho nghỉ chế độ…
Tại Bình Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Qua rà soát hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các ĐVHC cấp huyện, xã, tỉnh không có ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, bắt buộc phải sắp xếp theo Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Tuy nhiên, tỉnh đề xuất sáp nhập theo diện khuyến khích 6 ĐVHC cấp xã để thành lập 3 ĐVHC cấp xã mới. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh sẽ giảm 3 ĐVHC cấp xã, gồm: xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong; xã Đức Tân, huyện Tánh Linh; xã Đức Chính, huyện Đức Linh.
Sau khi Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 126 người (cán bộ 28 người; công chức 37 người; người hoạt động không chuyên trách 61 người). Với người hoạt động không chuyên trách (61 người), dự kiến cho tất cả nghỉ việc và giải quyết chính sách theo quy định của HĐND tỉnh.