Chiều 27/9, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ tiếp tục diễn ra. Trong phần này, HĐXX hỏi 6 bị cáo và Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Công ty Mai Phương) - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án về các kháng cáo của họ.
Trình bày kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được xóa trách nhiệm dân sự, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu TGĐ Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) thừa nhận bản thân ký chỉ định thầu còn thiếu. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng việc ký quyết định chỉ định thầu không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB). Do đó, việc quy trách nhiệm cho bị cáo Hà về việc gây thất thoát tiền là không đúng.
Luật sư của bị cáo Hà khi trình bày kháng cáo cho thân chủ của mình cũng cho rằng bị cáo Hà không có lỗi trong việc gây thiệt hại cho PVB. Việc PVB bị thiệt hại do nguyên nhân chủ quan là quá trình triển khai dự án có sai phạm của chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và nguyên nhân khách quan do biến động của thị trường thế giới - nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị dừng lại.
Đến lượt mình, bị cáo Phạm Xuân Diệu (cựu TGĐ PVC) xin HĐXX xem xét giảm hình phạt cho mình. Theo lời bị cáo Diệu, mức án mà cấp sơ thẩm tuyên ông là quá nặng. Ngoài ra, ông Diệu cũng xin Tòa phúc thẩm xem xét vấn đề trách nhiệm dân sự cho mình vì theo lời bị cáo Diệu, ông chỉ là người thực hiện triển khai các ý kiến của cấp trên, không tự ra nghị quyết được.
Các bị cáo còn lại đều xin được giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo và miễn trách nhiệm hình sự, miễn án phí dân sự.
Ngoài 6 bị cáo, Công ty Mai Phương - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng làm đơn kháng cáo. Trình bày kháng cáo, ông Kiều Đào Lâm (GĐ Công ty Mai Phương) xúc động bày tỏ cho biết để có nguồn tiền mua mảnh đất 3.400m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), ông đã dùng toàn bộ tài sản và vay mượn từ nguồn khác.
“Nếu mảnh đất này bị thu hồi thì công ty chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản, cuộc sống của người thân trong gia đình tôi sẽ bị khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Lâm nghẹn lời nói.
Tiếp lời, ông Lâm nói PVC thiệt hại hơn 13 tỷ đồng và chỉ yêu cầu bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT TGĐ PVC) và Đỗ Văn Hồng (cựu TGĐ Công ty PVC Kinh Bắc) liên đới bồi thường cho PVC số tiền này. Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm lại tuyên thu toàn bộ mảnh đất này để trả lại cho PVC trong khi đó ông đã mua lô đất trên với giá 45 tỷ đồng bằng số tiền hợp pháp của cá nhân ông đã được cơ quan điều tra xác minh. Do đó, phán quyết của tòa sơ thẩm là quá thiệt thòi cho doanh nghiệp của ông.
Mong muốn giữ lại mảnh đất trên, ông Lâm bất ngờ đề xuất với HĐXX phúc thẩm cho Công ty ông được thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng số tiền hơn 13 tỷ đồng mà PVC yêu cầu bồi thường và đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện này của họ.
Sau đó, ông Lâm đề nghị HĐXX tuyên trả lại mảnh đất trên cho công ty ông nhằm đảm bảo quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo quy định của pháp luật. “Nếu được HĐXX chấp thuận chúng tôi sẽ thu xếp nộp ngay số tiền hơn 13 tỷ đồng cho PVC để công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Việc thanh toán khoản tiền này, công ty chúng tôi sẽ tự giải quyết với bà Nga ở một vụ án dân sự khác”, ông Lâm nói.
Trước đề nghị bất ngờ của ông Lâm, HĐXX đã hỏi đại diện Công ty Mai Phương. Đại diện doanh nghiệp này xác nhận nếu được HĐXX đồng ý thì Công ty Mai Phương sẽ nộp khoản tiền bồi thường thiệt hại 13 tỷ đồng ngay trong quá trình diễn ra phiên tòa này.
Ngày mai (28/9), phiên tòa tiếp tục diễn ra.