Phúc thẩm “đại án” VIFON: Hai Bộ đùn đẩy tư cách nguyên đơn dân sự

Các bị cáo trong phiên tòa
Các bị cáo trong phiên tòa
(PLO) - Hôm qua, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã xử phúc thẩm đại án xảy ra tại Công ty VIFON do các bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt 74 năm tù cho 5 bị cáo, trong đó chủ mưu Nguyễn Thanh Huyền lãnh 30 năm về hai tội Tham ô và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên 13 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Bi 22 năm tù về hai tội “Cố ý làm trái” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trên 8 tỷ đồng…
Phiên tòa sáng qua 12/5, cả hai bị cáo “cộm cán” Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Bi đều tiếp tục kêu oan và đổ tội lẫn cho nhau. Cụ thể, bị cáo Huyền cho rằng mình không tham ô, không chiếm đoạt tài sản, mà tất cả chỉ làm theo lệnh của Tổng Giám đốc Nguyễn Bi, khi lấy tiền Huyền cũng đem đưa hết cho Bi. 
Trong khi bị cáo Nguyễn Bi cũng một mực kêu oan và phủ nhận không chỉ đạo và cũng không nhận tiền từ Huyền… Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, các LS bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo đã tranh luận nảy lửa về vấn đề xác định nguyên đơn dân sự và việc áp dụng luật doanh nghiệp Nhà nước khi VIFON đã cổ phần hóa là không đúng. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua, nguyên đơn dân sự là Bộ Công thương đã vắng mặt. 
Hai Bộ đều không nhận là nguyên đơn dân sự
Theo tòa sơ thẩm xác định có 3 nguyên đơn dân sự gồm: Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Cty VIFON. Tuy nhiên, trước đó đại diện Bộ Công thương đã kiên quyết từ chối tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án, mà “chỉ tham gia nhằm rút kinh nghiệm trong quá tình điều hành, quản lý doanh nghiệp”. Thậm chí trong phần thẩm vấn, đại diện Bộ Công thương cũng từ chối trả lời những vấn đề liên quan đến vụ án, đã bỏ ra về và không có mặt tại phiên tòa trong những ngày còn lại. Đặc biệt đại diện Bộ Tài chính được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng.
Trước đó, trong biên bản làm việc ngày 24/1/2011 của VKSNDTC với đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính, đại diện cục này cho biết: “Căn cứ quá trình cổ phần hóa của công ty VIFON thì Bộ Công thương là cơ quan quản lý Nhà nước khi công ty còn là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức cổ phần hóa hóa công ty VIFON, đồng thời cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty VIFON nên Bộ Công thương là cơ quan bảo vệ quyền lợi Nhà nước”.
Bị cáo Nguyễn Bi cho rằng mình không chỉ đạo và không nhận tiền từ bị cáo Huyền.
 Bị cáo Nguyễn Bi cho rằng mình không chỉ đạo và không nhận tiền từ bị cáo Huyền.
Sau đó, VKSNDTC còn có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị có văn bản gửi TAND TP.HCM cho ý kiến theo hai nội dung: là việc cử đại diện tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự nhằm bảo vệ quyền và tài sản của Nhà nước; thứ 2 là về quan điểm của Bộ Công thương đối với việc xử lý số tiền  14,59 tỷ đồng, đồng thời có yêu cầu tòa án buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Công thương thì Bộ Tài chính mới có thẩm quyền là đại diện Nhà nước tham dự phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự để bảo vệ quyền và tài sản của Nhà nước.
Ngược lại, Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Công thương mới là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cử người tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án. Căn cứ pháp lý Bộ Tài chính dựa vào chính là các quy định của Điều 27 Luật Doanh nghiệp Nhà nước 1995 và Điều 63 Luật DNNN năm 2003, cũng như điểm b, khoản 2 Điều 30 Nghị định số 64 ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển DNNN thành Cty cổ phần.
Bộ Tài chính khẳng định: Bộ Công thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trước khi Cty cổ phần hóa, là đại diện phần vốn nhà nước tại Cty cổ phần cho đến khi Cty không còn vốn nhà nước. Để xảy ra việc vi phạm trong giai đoạn Cty VIFON thực hiện cổ phần hóa (từ 2003 đến 2006) nên Bộ Công thương là cơ quan phải cử đại diện tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự khi vụ án được đưa ra xét xử để bảo vệ quyền lợi cho nhà nước trong vụ án này là đúng pháp luật…
Viện và tòa… tự quyết
Trước đó, TAND TP.HCM buộc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu chứng minh và thu thập đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, VKSNDTC đã không chứng minh được nên chấp nhận thực tế, chuyển giao các văn bản của các Bộ Công thương và Bộ Tài chính nói trên và giữ nguyên quan điểm truy tố nêu trong cáo trạng để chuyển sang TAND TP.HCM xét xử. Kết quả là TAND TP.HCM đã chấp nhận quan điểm như VKSNDTC truy tố.
Về vấn xác định nguyên đơn dân sự, Luật sư Phan Trung Hoài- Đoàn LS TP.HCM cho rằng: Việc xác định tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công thương và quyết định buộc bà Huyền phải bồi thường số tiền 9,8 tỷ đồng cho Bộ này là không có căn cứ về mặt pháp lý.
Bị cáo Huyền kêu oan cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Bi.
 Bị cáo Huyền kêu oan cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Bi.
“Việc xác định định tư cách nguyên đơn dân sự phải căn cứ vào quy định của BLTTHS, chứ không tùy thuộc vào việc ấn định chủ quan từ bất cứ cơ quan hoặc cá nhân nào. Theo quy định tại khoản 1, Điều 52 BLTTHS năm 2003: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. 
Trong hồ sơ, thực tế điều tra vụ án và phiên tòa sơ thẩm, Bộ Công thương chưa bao giờ xác định mình là cơ quan bị thiệt hại tài sản do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra và chưa bao giờ có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, Bộ Công thương hiện nay còn tham gia vào quá trình quyết toán phê duyệt khoản tiền 7,9 tỷ đồng trích thưởng vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi của công ty VIFON.”- LS Hoài khẳng định.
Theo LS Hoài, việc Bộ Công thương và Bộ Tài chính từ chối tư cách nguyên đơn dân sự không chỉ đơn giản dựa vào các căn cứ pháp luật, mà mỗi Bộ đã viện dẫn rất khác nhau, mà bản chất là các cơ quan nói trên không ai thừa nhận tài sản nhà nước bị chiếm đoạt và chưa bao giờ có văn bản yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại gửi đến các cơ quan tiến hành tố tung theo quy định bắt buộc.
Dù các bị cáo kêu oan, các Bộ không thừa nhận bị thiệt hại tài sản nhưng thiệt hại vài chục tỷ xảy ra trong vụ án này theo cáo buộc của VKSNDTC là có thật, chính điều này dự báo phiên tòa phúc thẩm sẽ cực kỳ gay cấn và nóng bỏng. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra hết tuần này./.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.