Theo đó, kế hoạch tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu như phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định RCEP cho các đối tượng là cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị liên quan.
Tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực chính như: thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ... bảo đảm các doanh nghiệp và các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc tận dụng và thực hiện hiệp định đầy đủ, hiệu quả.
Đồng thời, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới ban hành có liên quan đến nội dung, triển khai, thực thi hiệp định; triển khai các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào tỉnh; có cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn đầu tư từ các nước thành viên hiệp định vào những lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên của tỉnh…
Tập trung đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp, nghiên cứu và khai thác thị trường thành viên; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững. Nâng cao vai trò của các hội doanh nghiệp, ngành hàng; thông qua các hội doanh nghiệp, ngành hàng nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm chủ tịch.
Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.