Nhà sập vì triều cường
Tại thôn Long Thủy, triều cường đã ăn sâu vào làng hơn 15m; đánh sập hàng chục ngôi nhà, nhiều nhà liền kề bên trong cũng đang bị xói lở móng, nguy cơ sập rất lớn. Kè biển An Phú dài 500m, cao 2,7m bảo vệ khu dân cư cũng bị đánh sập bên trong.
Cũng như nhiều hộ nhân khác, nhà bà Trần Thị Thanh Kiều vừa bị triều cường đánh sập, cuốn trôi ra biển, phải ở tạm trong Lăng ông Long Thủy. “Triều cường lấy đi hết rồi, không còn gì hết”, bà Kiều nghẹn ngào nói.
Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Triều cường bắt đầu xuất hiện mạnh từ khi cơn bão số 12 bổ bộ vào đất liền, nhưng mạnh nhất là vào sáng ngày 6/11. Nhà tôi phía ngoài được xây đá chẻ kiên cố, cao khoảng 1,5m nhưng vẫn bị triều cường và sóng lớn đánh sập hoàn toàn”.
Những ngày vừa qua, triều cường tiếp tục đánh vào làm sập một phần các ngôi nhà thuộc lớp thứ 2 tính từ biển vào. Bà Nguyễn Thị Hưng cho biết: “Gia đình tôi đã dùng một số bao đựng cát để ngăn sóng đánh vào chân móng nhà, nhưng nếu triều cường tiếp tục lớn thì sợ ngôi nhà của tôi không trụ được”.
Gần bên, nhà bà Trần Thị Thu cũng bị sập tường, sóng biển đang tiếp tục đánh bổ vào bên trong, nguy cơ sập nhà hoàn toàn. Bà Thu lo lắng: “Nhiều nhà bị sập, người dân không kịp dọn đồ đạc, chạy sang nhà hàng xóm tránh trú. Sóng biển cao từ 5 đến 7m dồn dập vỗ thẳng vào nhà, thật kinh hoàng”.
Theo ông Bùi Phi Long - Bí thư Chi bộ thôn Long Thủy, đau lòng hơn, trong đợt triều cường này, căn nhà anh Nguyễn Sáu bị đổ sập. Hàng xóm láng giềng mới đến chung tay cùng anh san sửa lại, trong lúc làm thì bức tường nhà cao chừng 2m đã bị rạn nứt bất ngờ đổ sập, toàn bộ mảng tường đè lên hông và đôi chân anh.
“Sau một tiếng rầm, toàn bộ mảng tường đè lên hông và 2 chân anh Sáu. Lúc đó, mọi người hốt hoảng đến phá tường kéo anh ra. Khi kéo được anh ra ngoài thì 2 chân anh đã không còn cảm giác gì. Lúc đó máu me bê bết, cột sống anh cũng đau dữ dội. Mọi người nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM”, ông Long nói.
Không chỉ những hộ dân nói trên bị triều cường đánh sập, hiện nay tại thôn Long Thủy còn có hàng trăm ngôi nhà bị uy hiếp. “Hiện tại, đã có gần 10 ngôi nhà bị sóng biển cuốn trôi toàn bộ. Có khoảng 60 ngôi nhà bị sóng đánh sập một phần và hơn 100 nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường”, ông Long cho biết.
Theo bà Trần Thị Tú Hà - Phó chủ tịch UBND xã An Phú, thôn Long Thủy nằm dọc bờ biển, khu vực bị triều cường uy hiếp dài hơn 1km với hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài những căn nhà bị sập, cuốn ra biển, hiện xã còn hàng trăm căn khác đang trong tình trạng báo động, có nguy cơ bị đẩy ra biển trong những ngày tới.
Cảnh hoang tàn, gãy đổ ở bờ biển thôn Long Thủy |
Mong được xây dựng kè kiên cố
Theo ông Long, thôn Long Thủy có 865 hộ, 3.250 khẩu. Là thôn ven biển nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc triều cường lên xuống, đặc biệt là khi bão đến. Kè biển An Phú được đưa vào sử dụng từ năm 2013 để bảo vệ khu dân cư cũng bị triều cường gây hư hại ở một số vị trí. Tuy nhiên, kè biển chắn sóng mới xây được 500m nên không đủ sức bảo vệ cả khu dân cư giáp biển với chiều dài hơn 1.000m.
Theo nhiều người dân sinh sống lâu năm ở thôn Long Thủy, kè biển An Phú có tác dụng ngăn sóng biển và triều cường, chống xâm thực. Tuy nhiên, vị trí xây kè chưa phù hợp, hiện nay khu vực kè được xây dựng không mấy tác dụng, vì sóng biển ít ảnh hưởng ở khu vực này. Người dân mong các cấp quan tâm nghiên cứu kỹ để xây dựng kè kiên cố hơn, bảo vệ an toàn khu dân cư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đã được đắp bờ bao chắn sóng bằng hàng nghìn bao cát, nhưng triều cường sóng biển vẫn tiếp tục đánh bổ, xâm thực, sạt lở ven khu dân cư. Vì vậy, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn và tìm giải pháp phòng chống hiệu quả.
“Mỗi khi triều cường xâm thực, nhờ có chính quyền và các lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ, người dân mới thoát hiểm. Tôi mong các cấp quan tâm nghiên cứu kỹ để xây dựng kè kiên cố, đủ bảo vệ an toàn cho toàn bộ khu dân cư Long Thủy”, ông Long đề nghị.