Theo người dân, chợ Yến hình thành từ trước năm 1975, là nơi buôn bán sinh hoạt của hàng ngàn người dân nơi đây. Đến năm 1994, UBND xã An Hòa đã nâng cấp, xây dựng lại chợ Yến gồm một nhà chợ chính với diện tích 410 m2 và 19 ki ốt xung quanh chợ để phục vụ việc buôn bán của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, vào tháng 9/2018, người dân 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn cùng các tiểu thương buôn bán tại chợ Yến nhận được thông báo của UBND xã An Hòa trên đài truyền thanh xã về việc di dời chợ Yến cũ đến chợ Yến - An Hòa. Điều đáng nói, địa điểm chợ Yến - An Hòa không thuộc 2 thôn này và không thuận tiện cho việc kinh doanh, đi lại của người dân.
Hàng trăm hộ tiểu thương bức xúc |
Các tiểu thương tại chợ Yến và người dân 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn không đồng tình với cách làm việc của chính quyền địa phương. Theo đó, trước khi có quy hoạch xây dựng chợ Yến - An Hòa, UBND xã An Hòa đã không mở cuộc họp nào công khai để lấy ý kiến hoặc lắng nghe nguyện vọng của người dân 2 thôn này.
Chỉ đến khi xây xong chợ Yến - An Hòa thì xã mới ra thông báo di dời. Không những thế, chợ Yến - An Hòa được xây trên vùng đất trũng thấp, cứ vào mùa mưa là gây ngập úng, không đảm bảo ổn định trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc di chuyển đến chợ Yến - An Hòa có lợi ích của một số cán bộ xã đã mua nhiều lô đất quanh chợ và sạp ở vị trí tốt trong chợ.
Ông Phạm Đình Khắc (65 tuổi, ngụ thôn Nhơn Hội) cho biết: “Chợ Yến là chợ truyền thống bao đời nay của 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn nên bà con muốn giữ lại. Bởi theo quan niệm của bà con “chợ tan thì làng mạt”. Vậy nên, nếu tiểu thương nào có đủ điều kiện thì chuyển lên buôn bán ở chợ Yến - An Hòa, những người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi xin ở lại chợ Yến tiếp tục buôn bán để mưu sinh”.
Bên trong chợ bị rào B40 |
“Xã An Hòa có 7 thôn thì 5 thôn khác mỗi thôn một chợ, riêng 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn chỉ một chợ Yến truyền thống này. So với các chợ khác ở xã, chợ Yến kiên cố, chắc chắc hơn rất nhiều, trần chợ cũng được đúc bê tông cốt thép, không có dấu hiệu gì hư hỏng, vậy mà chính quyền dở bỏ.
Chính quyền cho người đập phá các trụ bê tông và nền chợ, rào B40 không cho tiểu thương vào buôn bán. Hiện chỉ có một số ít tiểu thương đến chợ Yến - An Hòa buôn bán, còn lại bám trụ xung quanh chợ Yến mưu sinh kiếm sống”, bà Nguyễn Thị Trang (49 tuổi, ngụ thôn Nhơn Hội) bức xúc.
Trước việc làm của chính quyền xã An Hòa, người dân đã gửi đơn cầu cứu đến ngành chức năng Trung ương và địa phương. Sau khi nhận được đơn cầu cứu của người dân, Ban Tiếp công dân Trung ương đã gửi công văn số 1743/BTCDTW-TD1 ngày 13/6/2019 đến UBND tỉnh Phú Yên để chỉ đạo, xem xét giải quyết. Đến ngày 18/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký công văn số 3205/UBND-NC gửi UBND huyện Tuy An và UBND xã An Hòa. Trong công văn có nội dung: “Trước mắt các hộ tiểu thương có đủ điều kiện thì di dời vào chợ Yến mới; đối với các hộ tiểu thương chưa đủ điều kiện thì tiếp tục hoạt động mua bán tại chợ Yến cũ”.
Theo công văn này thì các tiểu thương vẫn được tiếp tục hoạt động mua bán tại chợ Yến. Thế nhưng sau đó, chính quyền xã An Hòa vẫn tiếp tục gây sức ép và cho người cưỡng chế các tiểu thương hoạt động buôn bán tại khu vực chợ Yến.
Bức xúc trước cách hành xử của chính quyền xã An Hòa, ngày 28/6, đại diện một số hộ dân của 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn đến trụ sở Tiếp công dân tỉnh Phú Yên trình bày sự việc và bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh về địa bàn để đối thoại với người dân. Ngay trong ngày, UBND tỉnh Phú Yên ra công văn số 3401/UBND-NC gửi các hộ dân về nội dung vụ việc. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ bố trí lịch đối thoại với các hộ dân theo quy định chậm nhất đến ngày 15/7/2019 tại nhà văn hóa của thôn Nhơn Hội hoặc Hội Sơn.
Hôm chúng tôi được 2 người dân dẫn đến chợ Yến, chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút đã có hàng trăm hộ dân ở 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn đến “bao vây” để trình bày sự bức xúc của họ trước những việc làm của chính quyền địa phương. Nhiều cụ già không ngăn được những dòng nước mắt khi kể đến ngôi chợ truyền thống này. Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Phú Yên nhanh chóng sắp xếp về đối thoại, giải quyết vướng mắc, bức xúc của người dân, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương cũng như giữ vững niềm tin của người dân vào các cấp chính quyền.